TP.HCM nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông gắn với kiểm soát dịch Covid-19

31/12/2021, 14:08

Năm 2022 TP.HCM tiếp tục thực hiện kéo giảm TNGT, UTGT gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Năm 2021, tình hình ATGT trên địa bàn TP.HCM có sự chuyển biến rõ rệt. TNGT giảm sâu trên cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 mặt

Theo thống kê của Ban ATGT TP.HCM, năm 2021, TP xảy ra 1.784 vụ TNGT, làm chết 477 người và bị thương 1.042 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 1.146 vụ TNGT; giảm 70 người chết và giảm 993 người bị thương.

img

Nhiều giải pháp kéo giảm TNGT trên đường Võ Văn Kiệt

Về xử lý điểm đen TNGT, trong năm qua, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra xử lý các lỗi vi phạm gây ra TNGT, đồng thời tăng cường xử lý phạt nguội qua hình ảnh, video, phối hợp các đơn vị thuộc Sở GTVT khảo sát, kiến nghị bất cập về hạ tầng giao thông, rà soát các điểm phát sinh mới và xóa điểm đen khi đủ tiêu chí.

Kết quả năm 2021, đã xử lý được 7.627 trường hợp vi phạm tại các điểm đen, tập trung các lỗi lưu thông ngược chiều, đi vào đường cấm,... Số điểm đen TNGT hiện là 7 điểm, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 1 điểm (nút giao thông đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm - đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh).

Trong năm 2021, TP cũng phát sinh mới 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Tổng số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông là 19 điểm. Trong đó, có 4 điểm chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp, 7 điểm không chuyển biến. Riêng đường thủy, hiện trên địa bàn TP còn 1 điểm đen TNGT (ngã ba sông Chợ Đệm - kênh Xáng - Lý Văn Mạnh - khu vực cầu Cái Tâm.

Để xử lý các điểm đen trên, Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng, triển khai các giải pháp cấp thiết như: bổ sung các biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra TNGT; lắp đặt gờ giảm tốc trên các đường nhánh, đường hẻm ra đường chính; lắp đặt các trụ đèn chớp vàng và tăng cường camera quan sát; rà soát dặm vá mặt đường, điều chỉnh giao thông như cấm dừng đỗ xe, lắp đặt dải phân cách ngăn lấn trái, cải tạo kích thước hình học, điều chỉnh pha đèn, chu kỳ đèn tín hiệu giao thông...

Ngoài ra, lực lượng chức năng triển khai các giải pháp kéo giảm TNGT trên các tuyến đường có TNGT tăng cao trong năm 2021 như QL50 (huyện Bình Chánh), Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15, Hà Duy Phiên, Nguyễn Thị Rành, QL22 (huyện Củ Chi), đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua Q.1, Q.6),...

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm qua, các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT gắn với việc giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, tổ chức giao thông phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, ngành giao thông đã cấp 78.561 giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) cho 104 đơn vị và phê duyệt 74.054 giấy nhận diện từ phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông vận tải, xử phạt vi phạm qua hình ảnh được chú trọng. Đặc biệt là xử lý vi phạm dừng đỗ xe sai quy định trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ các lĩnh vực cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng, các dự án công trình trọng điểm được quan tâm thực hiện kịp thời, có hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, nguyên Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng, năm 2021 do tình hình dịch bệnh, giãn cách xã hội, xe cộ hạn chế đi lại nên thành phố đã giảm TNGT cả 3 mặt về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, khi thành phố nới lỏng giãn cách, thời gian đầu TNGT có chiều hướng tăng, tình hình xe cộ đi lại mất an toàn hơn. Một phần do thời gian dịch cũng lâu, người tham gia giao thông chủ quan hơn dẫn đến TNGT tăng cao. Sau dịch người tham gia giao thông cần điều chỉnh lại hành vi, ý thức giao thông để hạn chế mức thấp nhất TNGT.

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, năm 2022, TP cần phải phấn đấu để TNGT giảm, đầu tiên nâng cao ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt lực lượng thực thi công vụ tăng cường kiểm tra xử lý. Đồng thời ngành giao thông cần rà lại các bất cập còn tồn tại. Tình hình giao thông tăng hay giảm mang yếu tố khách quan và chủ quan. Việc kéo giảm TNGT cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, tăng cường tuần tra, xử lý, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và ý thức của người dân…

Nói về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, ông Tường cho rằng, không thể cứ mở rộng được mà cần tổ chức và bố trí giao thông lại cho phù hợp. Chỗ nào cần bố trí tín hiệu đèn, biển báo, có thể khắc phục ngay, tính toán chi tiết một cách hiệu quả, an toàn nhất. Còn vấn đề bất cập về hạ tầng như khép kín các đường vành đai, thành phố cần phải sớm triển khai để giảm tải bớt ùn tắc, TNGT do xe container đi vào đường đô thị gây mất ATGT như hiện nay.

“Sau dịch, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường có chiều hướng gia tăng, các quận huyện cũng cần rà soát lại, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định”, ông Tường nói.

Theo Ban ATGT TP.HCM, năm 2022 TP quyết tâm tiếp tục thực hiện kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Ban sẽ phối hợp các sở, ngành có liên quan đảm bảo công tác phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với tình hình thành phố; xây dựng và triển khai các phương án xử lý các “điểm đen” TNGT, điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, chú trọng tập trung tuyên truyền kết hợp việc xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích, lưu thông quá tốc độ, chở hàng vượt tải trọng, xe máy lưu thông vào làn đường dành cho xe ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy…

Năm tới, Ban tiếp tục thực hiện đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, trong đó tập trung rà soát hệ thống biển báo, hạ tầng kỹ thuật tại các đường ngang để điều chỉnh cho phù hợp, không để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép; khắc phục hệ thống hàng rào ngăn cách bảo vệ hành lang an toàn đường sắt trên toàn địa bàn thành phố đã bị xuống cấp, hư hỏng... Đồng thời, phối hợp với ngành đường sắt rà soát, điều chỉnh thu hẹp khoảng mở dải phân cách tim đường tại vị trí đường bộ giao nhau với đường sắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.