Sáng 13/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp Sở GTVT TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại TP.HCM.
Trong 4 giờ trao đổi, có 16 ý kiến được đưa ra từ người dân, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia. Nhiều ý kiến đồng tình nên thí điểm một số khu vực lấy kinh nghiệm trước khi nhân rộng toàn địa bàn. Đề án cũng cần làm rõ 3 vấn đề quan trọng là mức thu phí, xung đột lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và cách quản lý, chế tài.
Tăng trách nhiệm quản lý
TP.HCM hiện có khoảng 12 triệu m2 vỉa hè, nếu được tổ chức bài bản sẽ đem về nguồn lợi khá lớn cho ngân sách. Dẫn chứng điều này, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh, đặt vấn đề nếu chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường kể trên, với giá 100.000 đồng/tháng/m2, thành phố có thể thu về hàng trăm tỷ đồng hàng tháng.
Song, bà Sáu cũng nhìn nhận TP.HCM đang bị quá tải hạ tầng. Nếu triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, chính quyền cần tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh góp ý dự thảo đề án thu phí tạm sử dụng lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM sáng 13/6. Ảnh: Thư Trần
Về công tác thu phí, bà Sáu cho rằng thành phố nên giao cho một đơn vị đứng ra thực hiện, thay vì phân cấp cho chính quyền các quận, huyện thu phí.
"Bởi sẽ làm cho bộ máy cồng kềnh, ngân sách Nhà nước phải "nuôi" thêm bộ phận không nhỏ phục vụ công tác này. Chưa kể, mỗi nơi thu một kiểu rất khó quản lý, dễ xảy ra tiêu cực", bà Nguyễn Thị Minh Sáu nêu ý kiến.
Ông Võ Hoài Thu, Phó ban Dân chủ pháp luật MTTQ huyện Bình Chánh cho rằng, đề án phải tính đến tính khả thi, an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là vấn đề chỉnh trang đô thị. "Chỉ nên tính toán thu những tuyến đường có thể sử dụng, khai thác. Đường sá "ổ voi, ổ gà" mà thu phí thì không hợp lòng dân", ông Thu nói.
Thực tế nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là rất lớn, tuy nhiên công tác quản lý nhiều năm qua chưa đủ chặt chẽ. Điều này dẫn tới tình trạng chiếm dụng vỉa hè, thậm chí còn có tình trạng bảo kê, gây ra nhiều bức xúc.
Quy định rõ chế tài
Dẫn chứng từ Hà Nội, đô thị có tính chất tương tự với TP.HCM, bà Bùi Diệu Tâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Bến Nghé (quận 1), nhận định việc đảm bảo môi trường, an toàn giao thông, vỉa hè cho người đi bộ tại thành phố rất lộn xộn.
"Vậy việc thu phí sử dụng công năng vỉa hè đã đạt được mục đích ban đầu đặt ra chưa? Tôi cho rằng thu phí không chỉ tăng ngân sách mà còn nhằm tăng trách nhiệm của người quản lý, chứ không phải thu xong rồi để tràn lan như hiện nay", bà Tâm nêu.
Dẫn chứng một số tuyến đường tại TP.HCM, bà Tâm nhìn nhận tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1), xe phóng rất nhanh, người dân không thể đi trên vỉa hè. Tương tự, vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chiếm dụng buôn bán, đỗ xe, không có vạch cho người đi bộ.
Bà Bùi Diệu Tâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Bến Nghé (quận 1). Ảnh: Thư Trần
Bên cạnh đó, bà Tâm cũng cho rằng song song với thu phí cần đáp ứng những dịch vụ tiện ích đi kèm. Thành phố cần lưu ý những địa điểm du lịch, dịch vụ đông người, khách nội địa, không riêng khách quốc tế.
"Ví dụ như đường Nguyễn Huệ, lộn xộn chưa từng thấy. Thảo Cầm Viên cũng tương tự. Chúng ta chưa lưu tâm đúng mức", bà Bùi Diệu Tâm nói.
Ngoài ý kiến xây dựng mức giá, cân nhắc lợi ích, bà Lê Thị Hằng, Ủy viên Ủy ban MTTQ quận 4, cho rằng cần có biện pháp chế tài trong quản lý. Bà Hằng nhìn nhận lòng đường hè phố là không gian công cộng, tuy nhiên cùng với sự phát triển của đô thị, lòng đường, hè phố bị sử dụng vào nhiều mục đích khác.
"Cần bổ sung quy định về phạm vi lòng đường, hè phố, áp dụng nhiều biện pháp hành chính lẫn chế tài và kiên quyết xử lý khi có vi phạm. Đây là gốc vấn đề mà đề án vẫn chưa có nội dung này", bà Hằng đề nghị.
Tiếp thu góp ý, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đơn vị sẽ bổ sung quy định quản lý lòng đường, vỉa hè để làm rõ trong dự thảo.
Ông Lâm cho hay khi xây dựng đề án, đơn vị đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, các thành phố lớn trong và ngoài nước về quản lý vỉa hè, thông tin tài chính, văn hóa đô thị.
"Không đơn thuần là bài toán giao thông. Về mức phí, Sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi lẫn mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố. Mức phí và mức thu này hoàn toàn có căn cứ, cơ sở để trình HĐND ban hành toàn diện", ông Lâm nói.
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM
Theo dự thảo, mức thu phí vỉa hè dao động thấp nhất từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 350.000 đồng/m2/tháng, tùy mục đích sử dụng.
Trong đó, khu vực 1 (gồm các quận: 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000-100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy và xe đạp là 180.000-350.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 2 (quận 2 cũ, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 6, 7, trừ Khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu sử dụng hè phố để kinh doanh là 20.000-30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 70.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 3 (các quận: 8, 12, quận 9 cũ, Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và thu phí để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và thu phí để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.
Sở GTVT TP.HCM thống kê thành phố có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số tiền thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo thay thế Quyết định 74 vẫn giữ quan điểm vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận