Bến xe khách TX Gò Công |
Tuyến xe khách tồn tại hơn 40 năm từ Bến xe TX Gò Công (Tiền Giang) đến bến quận 8 (TP Hồ Chí Minh) sẽ đóng cửa từ 30/10 tới. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều của các nhà xe, nhưng theo Sở GTVT TP.HCM, việc sắp xếp này để loại bỏ tình trạng tranh giành khách trên tuyến...
Nhà xe nhất quyết muốn giữ
Sau khi nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của 9 nhà xe, thuộc HTX Gò Công và Thống Nhất (TP.HCM) về việc di dời ra Bến xe Miền Tây, PV Báo Giao thông tìm gặp bà Phạm Thị Kim Anh, chủ xe BKS 63K-333.32 chạy tuyến liên tỉnh cố định Gò Công - quận 8. Theo bà Kim Anh, tuyến này có chiều dài 59km, đi qua ba tỉnh Tiền Giang, Long An và TP.HCM. Sau khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành, nhà xe phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn. Đây là tuyến vận tải hoạt động ổn định trong suốt 40 năm qua. Vì vậy, theo bà Kim Anh, nếu Sở GTVT buộc di dời đầu bến quận 8 ra Bến xe Miền Tây, doanh nghiệp sẽ bị thiệt nhiều.
“Tuyến mới xa hơn tuyến cũ 20 km, đi qua nhiều tuyến đường nhưng không có khách. Khi đó, chi phí sẽ tăng, nhà xe sẽ khó khăn hơn”, bà Kim Anh lo lắng.
Bà Phạm Thị Mỹ, chủ xe BKS 63B-005.21 chạy trên tuyến này cho biết, gia đình bà có hai đời hoạt động xe khách, chạy tuyến cố định Gò Công - quận 8. Khi QL50 và cầu Mỹ Lợi chưa thông, xe lưu thông trên tuyến đường thường xuyên bị trơn, trượt do đường làm bằng đá đỏ, sình lầy khi trời mưa.
“Qua sông phải lụy phà Mỹ Lợi rất mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn bám đường, bám tuyến đưa rước, phục vụ hành khách tận tình, được hành khách tin tưởng. Vì vậy, chúng tôi mong tiếp tục khai thác tuyến đường này”, bà Mỹ chia sẻ.
Dời ra Bến xe Miền Tây đúng quy định
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, quan điểm của Tiền Giang vẫn muốn duy trì tuyến xe buýt từ TX Gò Công - quận 8. Khi đó, các nhà xe muốn tham gia phải thay đổi phương tiện cho phù hợp, ai không tham gia thì chạy tuyến cố định TX Gò Công - Bến xe Miền Tây theo quy định hiện hành.
"Khi điều chuyển sang Bến xe Miền Tây, số chuyến hoạt động, giờ xe xuất bến và đơn vị vận tải hoạt động vẫn được giữ nguyên hiện trạng như đang hoạt động tại bến quận 8. Theo đó, HTX Xe khách liên tỉnh du lịch và dịch vụ Thống Nhất (đảm nhận ba chuyến) cùng hoạt động xoay tua hàng ngày với HTX Vận tải TX Gò Công (đảm nhận 9 chuyến). Vì thế, hành trình chạy xe mỗi tuyến sẽ có quy định cụ thể và các đơn vị hoạt động tại đây vẫn sẽ được kinh doanh ổn định”. Ông Lê Hoàng Minh |
Cũng theo ông Bon, Sở GTVT Tiền Giang đã có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM xem xét lại phương án. Theo đó, tại Gò Công có hai tuyến hành khách cố định đi quận 8. Cả hai tuyến được liên sở đưa vào khai thác từ lâu, tạo thói quen đi lại của người dân, đồng thời phục vụ nhu cầu nhân dân, học sinh và sinh viên đi lại từ các huyện phía Đông của Tiền Giang đến TP.HCM. “Tiền Giang đề nghị phía TP.HCM xem xét, báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN cho phép tiếp tục thực hiện”.
Ông Phan Minh Giàu, Phó giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, trước đề nghị của các xã viên HTX Vận tải Gò Công, Sở GTVT Long An đã phối hợp với TP.HCM và Tiền Giang tìm giải pháp phù hợp nhưng chưa được sự đồng thuận từ các bên. Cũng theo ông Giàu, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, tại cuộc họp mới đây, Long An thống nhất phương án mở tuyến buýt nối liền Tiền Giang - Long An - TP.HCM. Tuy nhiên, việc này cần được sự đồng thuận của các doanh nghiệp và sự nhất trí 100% của các xã viên mới thực hiện được.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, nhiều năm trước, xe khách cố định và xe buýt cùng hoạt động chung trên tuyến QL50 - TP.HCM - Gò Công (Tiền Giang) gây mâu thuẫn, tranh giành khách của nhau. Sở GTVT TP đã nhiều lần giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa hiệu quả. Trên thực tế, theo quy định của Bộ GTVT, bến ở quận 8 không phải là bến xe liên tỉnh nên các tuyến xe khách liên tỉnh cố định chạy từ TP.HCM đến TX Gò Công, Tiền Giang và ngược lại sẽ phải di dời ra Bến xe Miền Tây mới đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận