Tuyến Xa Lộ Hà Nội luôn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh Đỗ Loan |
Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan bàn về giải pháp xử lý 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn chiều 15/2, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm nay sẽ phân chia đầu việc cụ thể cho các địa phương, đơn vị cùng xử lý quyết liệt.
Theo Sở GTVT, tính đến cuối năm 2016, số điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố là 36, nhưng thời điểm hiện tại đã tăng lên 37. Trong đó, khu vực trung tâm có 6 điểm (Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ , ngã sáu công trường Dân Chủ…); khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gồm 6 điểm; khu vực cảng Cát Lái 3 điểm (nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định); khu vực cửa ngõ Thành phố 8 điểm; khu vực khác là 14 điểm.
Về nguyên nhân gia tăng ùn tắc, ông Trần Quang Lâm cho rằng, chủ yếu do quy hoạch và phát triển đô thị chưa đồng bộ, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông vận tải còn quá thấp (diện tích đất dành cho giao thông hiện 7,5ha nhưng theo quy hoạch là 22,3ha) trong khi việc phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại, cao ốc không gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông khi đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng nhưng chưa có chính sách kiềm chế…
Cảnh kẹt xe kéo dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh Đỗ Loan |
Để giảm ùn tắc giao thông, trước đó, Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, từ các giải pháp như hiệu chỉnh lại thời lượng đèn tín hiệu giao thông theo từng thời điểm ở các giao lộ; Bổ sung hơn 300 camera tại các tuyến đường trọng điểm, kết nối về hệ thống trung tâm để điều tiết đèn tín hiệu, có phương án điều chỉnh lưu lượng xe cho phù hợp; Tổ chức phân luồng giao thông tại 30 tuyến đường để kéo giảm ùn tắc giao thông, cấm xe tải, ô tô con theo giờ; Tăng cường cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình giao thông lên hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử, qua đó giúp người điều khiển phương tiện có thể lựa chọn lộ trình phù hợp.
"Sẽ phân công, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân với từng điểm ùn tắc" Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |
Tại cuộc họp một số quận huyện đã đề xuất bổ sung thêm rào chắn, bố trí vốn sớm giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông ở các nút giao trọng điểm xảy ra ùn tắc như xây dựng hầm chui An Sương, nút giao An Phú...
Để xử lý 37 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, Sở GTVT cho biết, đang xây dựng các kế hoạch bao gồm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt tiến độ GPMB... Đồng thời tổ chức phân luồng giao thông, lắp đặt camera quan sát giao thông, tổ chức điều tiết giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 sẽ hoàn thành sớm 3 tháng để giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực Cảng Cát Lái. Ảnh Đỗ Loan |
“Năm nay, TP đặc biệt quan tâm đến các giải pháp xử lý ùn tắc giao thông. Do vậy rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương các quận huyện, CSGT. Ngoài 37 điểm kẹt xe, các quận huyện cập nhật thêm danh sách những điểm có nguy cơ ùn tắc khác để kịp thời xử lý”, ông Trần Quang Lâm nói và cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc kiểm soát ùn tắc giao thông, Sở đã xây dựng dự thảo gửi các quận huyện có ý kiến đóng góp. Trên cơ sở đó sẽ phân công cụ thể từng địa phương, cá nhân phụ trách chịu trách nơi địa bàn xảy ra ùn tắc. Từng giải pháp đều phân công đầu việc, đầu mối phụ trách rõ ràng, cụ thể.
“Hiện trên địa bàn thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở các cổng trường học, tới đây Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức sắp xếp điều chỉnh thời gian đưa đón học sinh cho phù hợp”, ông Lâm nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận