Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.
Trưa 10/5, tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ lo ngại trước diễn biến dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện ở 26 tỉnh thành.
Cụ thể, Hà Nội có 120 ca, Bắc Ninh 85, Bắc Giang 37, Lạng Sơn 4, Đà Nẵng 48 ca… Tại TP.HCM, đến thời điểm này có 1 ca mắc.
Theo Chủ tịch UBND TP, các yếu tố có thể gây ra nguy cơ xâm nhập dịch bệnh cao tại TP.HCM là khu cách ly có thể khiến lây nhiễm chéo, lây ra cộng đồng; trường hợp không tuân thủ cách ly hoặc đã tuân thủ xong cách ly nhưng bệnh vẫn phát ra sau đó.
Đặc biệt nguy cơ nhập cảnh trái phép, giao thương hàng không, cảng biển, từ mức độ di chuyển của người dân các nơi khác đến TP lớn nên sẽ khó tránh được tình huống lây nhiễm cộng đồng.
Vì vậy, ông Phong đề nghị các biện pháp phòng chống dịch bệnh của các sở ngành, địa phương hết sức chủ động, chặt chẽ, đẩy mạnh kiểm soát các yếu tố xâm nhập.
Các ngành du lịch, giao thông vận tải, công thương, các khu công nghiệp… phải kích hoạt bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất.
Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 với các sở ban ngành trưa 10/5.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất phải luôn có phương án xử lý tình huống một hoặc nhiều ca nhiễm, nếu để xảy ra một ca mắc thì nguy cơ lây lan cộng đồng là rất lớn.
Ông Phong cũng cho rằng, thời điểm này là cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số, ưu tiên phục vụ phòng chống dịch.
Do đó, các hội nghị, hội họp đông người có thể xem xét tổ chức trực tuyến. Ở những hoạt động đông người, yêu cầu không tập trung quá 30 người, đảm bảo giãn cách, khử khuẩn, đeo khẩu trang.
"Biến thể vi rút hiện tại không giống với biến thể vi rút ở thời điểm xảy ra dịch bệnh năm 2020, TP phải sẵn sàng phương án đảm bảo ứng phó trong tình hình dịch bệnh lan rộng", ông Phong lưu ý.
Theo đó, TP sẽ triển khai thêm các khu cách ly tập trung, nâng tổng số trên 10.000 giường bệnh để sẵn sàng triển khai ngay phương án điều trị cho 50-100 người bệnh Covid theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế. Đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh, ông nói.
Ngành y tế cần xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường bệnh, chuẩn bị tình huống cho 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, các trung tâm y tế TP.Thủ Đức, quận huyện chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng trong mọi tình huống.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả phải sẵn sàng chuẩn bị, nếu không chủ động chúng ta sẽ bị thất thủ”, ông Phong nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận