Du lịch

TP.HCM: Sau lễ hội sông nước là gì?

19/06/2024, 10:00

Số lượng bến thủy nội địa tại TP.HCM còn quá ít so với nhu cầu khai thác du lịch. Vì thế, người dân và du khách chỉ được trải nghiệm mỗi lần diễn ra lễ hội.

Đường sông đẹp nhưng bến thủy quá ít

Lễ hội Sông nước TP.HCM đang diễn ra với kỳ vọng tạo ra cú hích cho du lịch đường thủy nội địa phát triển. 

Tuy nhiên, số lượng bến thủy nội địa quá ít khiến lượng phương tiện bị phân tán. Để được cấp phép bến thủy nội địa du lịch hiện không phải dễ dàng.

TP.HCM: Sau lễ hội sông nước là gì?- Ảnh 1.

Theo dữ liệu từ cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, trong số hơn 200 bến thủy hiện nay, chỉ khoảng 30% bến có hoạt động du lịch, còn lại chủ yếu là bến vật liệu xây dựng, bến nội bộ. Trong khi đó, thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp du lịch lữ hành đang hoạt động.

Anh Đỗ Khánh Đông, chủ cơ sở sữa chữa tàu thuyền Thủ Đức cho biết, dù đã rất nhiều lần tìm hiểu thủ tục xin cấp phép bến du lịch đường thủy nhưng lần nào cũng phải ngậm ngùi gác lại kế hoạch.

"Công ty tôi hoạt động sửa chữa ca nô đã hơn 10 năm nên rất nhiều công ty du lịch ngỏ ý hợp tác cung cấp phương tiện và điểm đón khách. Thế nhưng, vị trí nhà xưởng hiện tại không thuộc quy hoạch đất sản xuất kinh doanh nên không đủ điều kiện cấp phép", anh Đông cho biết.

Theo anh, hành khách du lịch đường sông hiện nay chủ yếu thuộc phân khúc tầm trung, các đơn vị sử dụng du thuyền hay đón khách cao cấp tại các bến lớn rất ít. Do vậy, thị trường du lịch đường sông rất khó phát triển vì thiếu hạ tầng.

Thiếu tour du lịch đường sông

Chị Hồ Phương (36 tuổi), một hướng dẫn viên du lịch đi buýt đường sông tại bến tàu thủy Bạch Đằng quận 1 chia sẻ: "Tour buýt đường sông giá vé phải chăng nên rất thuận lợi cho người dân trải nghiệm. Tuy nhiên, vì là tour bình dân nên không phù hợp với các sự kiện tổ chức cho hội nhóm nhỏ tham gia".

TP.HCM: Sau lễ hội sông nước là gì?- Ảnh 2.

Dù xuất hiện trong mỗi dịp lễ hội đường sông nhưng nhiều môn thể thao dưới nước chưa được cấp phép khai thác.

Chị Phương cho rằng, một tour du lịch đường sông bằng tàu có sức chứa từ 10-15 người hiện nay rất ít. Các điểm đón khách hầu hết là bến tự phát nên các công ty du lịch rất lo ngại. 

Nếu đưa khách vào các bến du thuyền lớn, trải nghiệm bằng phương tiện sang trọng thì chi phí cao hơn cả vé máy bay.

Gần đây, PV cùng đại diện một công ty du lịch đã trải nghiệm khảo sát nhiều nhánh sông tại TP Thủ Đức và Cần Giờ. 

Trên suốt lộ trình hơn 6 giờ di chuyển bằng ca nô, nhiều đoạn rạch hai bên bờ sông hiện ra khung cảnh trong lành, nguyên sơ đầy cuốn hút. Thế nhưng, trong bán kính 5km không hề có bến thủy du lịch nào.

"Bên cạnh sự khan hiếm về bến thủy phục vụ du lịch, TP còn thiếu khu vui chơi giải trí dưới nước. Du khách không chỉ thưởng ngoạn trên sông mà cần có các điểm đến để trải nghiệm. 

Các hoạt động này chỉ thấy xuất hiện trong các đợt tổ chức lễ hội, chưa có khu vui chơi giải trí dưới nước nào được cấp phép", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Số bến thủy nội địa sẽ tăng gấp đôi

Theo ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, đại diện Câu lạc bộ Du thuyền Thủ Đức, các sở, ngành TP.HCM cần đưa thêm nhiều giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch đường thủy. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng lại chưa thể khai thác tối đa.

TP.HCM: Sau lễ hội sông nước là gì?- Ảnh 3.

Số lượng bến thủy nội địa tại TP.HCM còn quá ít so với nhu cầu khai thác du lịch. (Trong ảnh: Bến du thuyền Lan Anh tại TP Thủ Đức).

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, thành phố sở hữu mạng lưới giao thông đường thủy có khả năng khai thác du lịch là 913km, gồm 101 tuyến.

Hiện TP đang nghiên cứu sơ bộ đường ven sông, đoạn từ cầu Ba Son tới Bình Triệu (dài khoảng 4km, rộng 30m), tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. 

Tuyến đường này kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc, tạo điểm nhấn về cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ đường thủy.

Về thủ tục xin thành lập các bến du thuyền, ông An cho biết các doanh nghiệp có thể đề xuất với địa phương. 

Trên cơ sở đó, địa phương sẽ có văn bản đề xuất Sở GTVT TP để cập nhật vào quy hoạch 411 bến thủy nội địa giai đoạn 2020 - 2030. 

Như vậy, đối chiếu với số lượng bến thủy nội địa hiện hữu, số lượng bến thủy sắp tới sẽ tăng gấp đôi.

Để phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, bà Bùi Thị Ngọc Hiểu, Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho rằng cần sự phối hợp của các sở, ngành để phát triển đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu... 

Sở Du lịch sẽ kêu gọi đầu tư các điểm đến tham quan, giải trí bên cạnh hệ thống bến thủy trong tương lai, xây dựng chuỗi sản phẩm đặc sắc để thu hút du khách.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Ân, Phó phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thời gian tới sẽ đưa thêm ba tuyến du lịch mới vào khai thác: Tuyến ngắn dưới 10km từ Bạch Đằng đi Thanh Đa; Tuyến tầm trung từ Bạch Đằng đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng và Bạch Đằng đi Củ Chi; Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Campuchia.

"Như vậy, không chỉ trong dịp lễ hội sông nước hàng năm, người dân và du khách vẫn có thể tiếp tục trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch đường sông chất lượng", ông Ân cho hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM thông tin, thành phố đã quy hoạch đường ven sông khi điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Theo đó, trong quy hoạch có tích hợp giao thông thủy bộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.