Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn cử tri sáng 8/12
Doanh nghiệp vận tải sẽ được hỗ trợ lãi suất 0%
Trả lời chất vấn cử tri tại phiên làm việc sáng 8/12, kỳ họp lần thứ 23 của HĐND TP.HCM khóa IX, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết: "TP.HCM hiện có 776 doanh nghiệp (DN) có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng, 9.000 doanh nghiệp có quy mô 100 tỷ đồng trở lên, chiếm 2,2%. 90% còn lại là DN nhỏ và vừa. DN nhỏ và vừa chịu tác động nặng nề nhất bởi Covid-19”.
Theo ông Phong, thành phố đã giải ngân gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 1 với việc hỗ trợ cho 100% đối với đối tượng chịu tác động bởi Covid-19 với tổng số tiền 611 tỷ đồng. Đặc biệt, đã gia hạn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 880 tỷ đồng; 218 tỷ tiền thuế GTGT, TNCN.
Hiện nay, TP.HCM đang nghiên cứu triển khai gói hỗ trợ lần 2. Dự kiến sẽ triển khai gói hỗ trợ tín dụng 0% cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn đối với các ngành như dịch vụ lưu trú, du lịch, vận tải và các doanh nghiệp sụt giảm doanh thu lớn do Covid-19. Các hình thức hỗ trợ là giảm lãi, phí; khoanh nợ... Tổng kinh phí của gói là 4.000 tỷ đồng.
Về đầu tư công, ông Phong cho hay tổng vốn đầu tư xây dựng, đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 13%, doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, doanh nghiệp nước ngoài là số còn lại. Cho nên song song đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thì phải cải thiện môi trường đầu tư, như vậy mới thu hút nguồn lực từ xã hội, nước ngoài.
Thời gian qua việc thu hút nguồn lực từ xã hội còn hạn chế. Để tăng cầu nền kinh tế thì cơ cấu đó phải chú ý giải pháp thúc đẩy cải thiện mạnh mẽ môi trường sản xuất đầu tư kinh doanh. “TP chọn năm 2021 là năm cải thiện môi trường đầu tư”, ông Phong nói.
Sắp rà soát các dự án ở các KCN, KCX gần hết hiệu lực đầu tư
Ông Phong cũng thông tin, trong năm 2020, tính đến nay, riêng dự án FDI giảm 51%, có 1.300 dự án được cấp phép, với quy mô mỗi dự án khoảng 540.000 USD, là con số quá nhỏ, chưa có dự án lớn. Hiện nay, dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước đang nhắm vào khối Asean (trong đó có Việt Nam) thì việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư là đòi hỏi bức thiết với TP.HCM. "Làm gì, làm như thế nào để cải thiện môi trường đầu tư?" - ông đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, giai đoạn 2016-2019 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TP.HCM tăng điểm nhưng không nhiều. Điều này cho thấy nỗ lực cạnh tranh cải thiện môi trường đầu tư chưa đủ mạnh, chưa đột phá, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thành phố quyết tâm khắc phục trong năm 2021 vấn đề cải thiện môi trường đầu tư.
Theo đó, những việc cần làm ngay, trước hết là xác định nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, cơ quan, sở, ngành trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, "nơi nào doanh nghiệp phản ánh thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, cá nhân Chủ tịch thành phố chịu trách nhiệm trước HĐND thành phố", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Đồng thời duy trì, phát huy hiệu quả của tổ công tác giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian qua. Xây dựng triển khai kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo yêu cầu phải có thời hạn với quy trình thủ tục hành chính trong việc xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp; xác định rõ cá nhân chịu trách nhiệm trong giải quyết xử lý hồ sơ; lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp; có chế tài xử lý vi phạm cũng như có khen thưởng thực hiện cải thiện chỉ số PCI, nhất là chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền, thực hiện cải cách hành chính; triển khai đề án quản lý đất đai và sử dụng đất hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hiện nay thành phố đang xây dựng các danh mục dự án mời gọi đầu tư theo từng giai đoạn, theo lĩnh vực ưu tiên, chủ động xúc tiến đầu tư vào 3 chương trình đột phá. Ưu tiên mời gọi doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Hạn chế tối đa việc mời gọi đầu tư những lĩnh vực thâm dụng lao động lớn. Sắp tới thành phố rà soát tất cả dự án ở các KCN, KCX gần hết hiệu lực đầu tư, sắp tới gia hạn thì phải tính đến cải tiến công nghệ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận