Hệ thống điều hành giao thông do Sở GTVT TP HCM thực hiện góp phần điều tiết giao thông trên địa bàn |
Theo đại diện Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT, đơn vị được đặt hàng xây dựng đề án), đến nay VNPT đã xây dựng đề án và gửi các sở ban ngành thành phố góp ý từ trước Tết, tuy nhiên vẫn chưa có sự phản hồi từ các ngành. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu từ nay đến 10/2 lãnh đạo các đơn vị, ngành phải đọc và ký vào bản cho ý kiến về đề án. Ông Tuyến cho rằng, việc các sở, ngành cho ý kiến là không khó, vì thực tế từng ngành đã triển khai các giải pháp công nghệ áp dụng và công việc thực tiễn của mình. Chẳng hạn, Sở Y tế đã áp dụng công nghệ để theo dõi hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Sau này nếu tích hợp được vào đề án, dữ liệu sẽ được lưu trữ, lúc đó bệnh nhân trong nước cũng có thể gửi hồ sơ bệnh án để bác sĩ nước ngoài xem xét chứ không cần phải ra nước ngoài. Sở GTVT đã xây dựng trung tâm điều hành giao thông và hoạt động rất tốt.
Ông Tuyến yêu cầu VNPT tổng hợp ý kiến của các sở ngành, sau đó báo cáo Ban điều hành để tổ chức lấy ý kiến người dân, cộng đồng, chuyên gia trước ngày 10/3. Đến cuối tháng 3, Thường trực Ban điều hành sẽ tổng hợp hoàn chỉnh để báo cáo Ban chỉ đạo (Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM) để cho ý kiến về đề án này.
Đề án HCMC Smart City (2017-2020, tầm nhìn 2025) là phần Khung đô thị thông minh, với các vấn đề tổng quát lần lượt gồm: Chính quyền điện tử, Quy hoạch, Giao thông, Y tế và dịch vụ cho con người, An ninh công cộng, Nước và nước thải, Xây dựng, Môi trường (chất thải, không khí...; Năng lượng, Giáo dục đào tạo, Thanh toán và Tài chính, Nông nghiệp, Truyền thông…). Mục tiêu của thành phố thông minh là: Kinh tế năng động, hiệu quả hơn; Môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; Người dân được phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận