Vào giờ cao điểm, đường Hiệp Bình thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông - Ảnh: Linh Hoàng |
Sau thời gian ngắn đi vào nền nếp do triển khai rốt ráo chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại TP.HCM lại tái diễn.
Biến vỉa hè thành quán nhậu
Đầu năm 2016, khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, quận Phú Nhuận thực hiện khá nghiêm. Tại cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết đã dẹp được tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên hai tuyến đường trọng điểm của quận là Trường Sa, Phan Xích Long. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, tình trạng lấn chiếm vỉa hè xuất hiện trở lại ở đây.
Khoảng 18h ngày 23/7, tại địa chỉ 1162/2/14 đường Trường Sa (Phường 13, quận Phú Nhuận), theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhân viên của Hùng Quán xếp 10 bộ bàn ghế chiếm hết vỉa hè (rộng hơn 15m) để mời khách. Dù phía trong quán cũng có bàn ghế nhưng đa phần thực khách chọn ngồi ăn ở phía ngoài vỉa hè cho mát. Người đi bộ khi qua đây không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức thừa nhận việc xử lý tình trạng các chợ tự phát, nhất là chợ trên đường Hiệp Bình thời gian qua đã thực hiện nhưng chưa xử lý triệt để. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong quận tăng cường tuyên truyền và xử lý triệt để tình trạng chợ tự phát gây mất ATGT trên địa bàn”, ông Nhân nói. |
Tương tự, trên đường Phan Xích Long từ ngã tư Phú Nhuận đến đường Vạn Kiếp hầu như vỉa hè đều bị các quán xá lấn chiếm để xe máy của hành khách. Vào buổi tối, có đoạn còn đặt bàn ghế để hành khách ngồi ngoài vỉa hè ăn uống. Các khách sạn, nhà hàng, tiệm bán hàng khác cũng để bảng hiệu trên vỉa hè chiếm hết lối của người đi bộ.
“Các quán ăn ở đây kê bàn ghế, để xe hết lối đi nên tôi phải đi xuống dưới đường. Sợ nhất là buổi chiều dẫn cháu đi học về, vỉa hè không có lối, đi xuống đường xe chạy rất đông và nguy hiểm”, bà Hồng ở phường 13, quận Phú Nhuận bức xúc.
Ở một số tuyến đường khác như: Hoàng Hoa Thám, Nơ Trang Long, Lê Quang Định (Bình Thạnh) còn có tình trạng người dân ngồi ra lòng đường buôn bán rau, cá khiến người đi xe qua khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết, việc xử lý các vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đang được lãnh đạo quận chỉ đạo các phường thực hiện. Trên tinh thần ghi nhận những phản ánh của người dân, bà Nguyệt cho biết quận sẽ tiếp tục rà soát và xử lý nghiêm vi phạm để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Chợ tự phát, dẹp mãi không hết
Tương tự ở quận Thủ Đức, nhiều tuyến đường như: Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi… có vỉa hè nhỏ nên các cửa hàng buôn bán quần áo, quán ăn phần lớn sử dụng để xe gắn máy của hành khách. Người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống dưới lòng đường. Không ít vụ va chạm giữa xe gắn máy và người đi bộ trên tuyến đường Kha Vạn Cân đã xảy ra.
Bên cạnh đó, tình trạng chợ tự phát tổ chức ngay giữa đường khiến các tuyến đường nghiễm nhiên trở thành chợ cũng diễn ra khá phổ biến. Dọc các tuyến đường như: Lê Văn Chí, QL13, đường số 6, đường Hiệp Bình…, các chợ tự phát hoạt động rất nhộn nhịp, chiếm cả vỉa hè và lòng đường để buôn bán.
Đường Hiệp Bình ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là tuyến đường huyết mạch nối QL13 với đường Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, từ lâu tuyến đường này đã trở thành một cái chợ mà nhiều người không biết cứ tưởng là được cấp phép. Hai bên đường, các tiểu thương tận dụng vỉa hè để buôn bán đủ các loại mặt hàng...
Chiều 23/7, khi PV có mặt ở đây, không khí họp chợ vẫn diễn ra nhộn nhịp, người mua kẻ bán tấp nập. Công nhân, cán bộ sau khi tan tầm về chạy xe dọc đường rồi dừng lại mua cân thịt, bó rau… khiến cảnh ùn tắc xảy ra thường xuyên. Những ngày mưa, mặt đường bùn lội, nhưng các hàng quán thực phẩm chín (như: Cá, thịt gà, thịt vịt, heo quay…) vẫn được bày bán rất mất vệ sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận