Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ chiều 11/4, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Xử lý xe dù, bến cóc
Hiện tại, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng kế hoạch nhưng đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về số ngày nghỉ trong dịp lễ 30/4 và 1/5 rồi mới ban hành, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM đã chủ động chỉ đạo các đơn vị triển khai các nhiệm vụ như phối hợp với các bến xe chuẩn bị các tình huống, giải tỏa hành khách đi lại tại các khu vực đầu mối.
Sở GTVT TP.HCM đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt xe dù, bến cóc đưa đón, dừng, trả khách trên đường thuộc phạm vi quản lý. Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP về vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.
Ông Đường cho biết thêm, trong năm 2024, Sở GTVT có kế hoạch thanh tra 13 đơn vị vận tải, kiểm tra 4 đơn vị vận tải. Đồng thời, thường xuyên có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố để thanh kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh vận tải thuộc phạm vi quản lý của các tỉnh, thành phố nhưng có dấu hiệu vi phạm tại TP.HCM.
Trong quý I/2024, Sở GTVT TP.HCM đã rà soát, thống kê các điểm có hoạt động đón, trả khách và gửi các UBND quận huyện, TP Thủ Đức để kiểm tra xử lý. Đơn vị này cũng đã phối hợp với Công an TP.HCM kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vận tải theo thẩm quyền.
"Trong quý I/20224, có 294 trường hợp vi phạm bị xử phạt với số tiền 527 triệu đồng thông qua hệ thống camera và tuần tra kiểm soát. Sở GTVT TP.HCM cũng đã ban hành quyết định thu hồi 10.032 phù hiệu, biển hiệu của các phương tiện vi phạm tốc độ được trích xuất từ camera hành trình; thu hồi 56 giấy phép kinh doanh ô tô của các đơn vị vi phạm", ông Đường nói.
Ghi hình, phạt nguội người đi xe máy
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2024, CSGT TP.HCM đã gửi 29.200 thông báo vi phạm giao thông. Trong số này, có 7.311 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, nộp ngân sách trên 16 tỷ đồng.
Thượng tá Hà cho biết, các hành vi vi phạm được ghi nhận gồm: điều khiển xe quá tốc độ quy định, không chấp hành điều lệnh tín hiệu đèn, lưu thông vào đường cấm, lưu thông ngược chiều, dừng đỗ sai quy định… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Do đó, ngoài thực hiện xử phạt với xe ô tô, Công an TP.HCM sẽ xác minh, xử lý phạt nguội với mô tô xe máy. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, việc này có một số khó khăn nhất định.
"Hiện nay, Bộ Công an và Công an TP.HCM đang thực hiện định danh phương tiện, đây sẽ là cơ sở để xử phạt các phương tiện mô tô, xe máy vi phạm hành chính liên quan đến an toàn giao thông", ông Hà nói.
Thượng tá Lê Mạnh Hà đánh giá, việc xử lý vi phạm qua hình ảnh giúp người dân chấp hành tốt quy định pháp luật, nâng cao ý thức tham gia giao thông. Đồng thời giúp giảm tải áp lực cho cán bộ chiến sĩ trong ghi nhận, tuần tra kiểm soát trên đường phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận