Vận tải

TP.HCM tăng giá vé xe buýt có hợp lý?

11/04/2018, 07:01

Nhằm tăng thêm nguồn thu, giá vé xe buýt phổ thông tại TP.HCM dự kiến sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lượt.

1

Người dân TP.HCM đi trên tuyến xe buýt số 18 - Ảnh: Đỗ Loan

Giá vé tăng phải tăng chất lượng dịch vụ

Ngày 10/4, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu phương án tăng giá vé xe buýt thêm 1.000 đồng/lượt đối với xe buýt phổ thông. Theo Sở GTVT, đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ khách. 

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, nhằm tăng thêm nguồn thu và sử dụng hiệu quả trợ giá từ ngân sách, giá vé xe buýt phổ thông tại TP.HCM dự kiến sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lượt. Cụ thể, giá vé sẽ tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/lượt (với cự ly dưới 18 km), còn những tuyến có cự ly trên 18km, giá vé tăng từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt. Riêng đối tượng là học sinh, sinh viên, vẫn giữ giá vé cũ là 2.000 đồng/lượt nhưng khi lên xe phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên.

Theo trung tâm, trong năm 2018, đơn vị đặt mục tiêu nâng khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại TP.HCM lên 635 triệu lượt (năm 2017 là 604,1 triệu lượt, đạt 101% so với kế hoạch, tăng 6% so với năm 2016). Việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này là cần thiết và mức tăng cũng không quá cao với tình hình phát triển kinh tế để bù đắp khó khăn cho ngân sách thành phố. Đồng thời, việc tăng này cũng nhằm bù đắp cho vốn đầu tư xe mới, giảm chi ngân sách bù lỗ.

Theo cán bộ Sở GTVT TP.HCM, mức vé hiện nay đã được ban hành cách đây 9 năm. Khi đó, thành phố tăng thêm 1.000 đồng (4.000 đồng lên 5.000 đồng) tùy cự ly và tuyến đường. Đến thời điểm này, sở mới tiếp tục đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lượt. Việc tăng giá vé sẽ giảm ngân sách hỗ trợ của thành phố, hơn nữa, hiện nay mọi chi phí vận tải của doanh nghiệp đều tăng như giá xăng, lương, phí bến bãi… từ đó các doanh nghiệp vận tải xe buýt sẽ cân nhắc tính toán điều chỉnh sản lượng phù hợp. 

Chia sẻ về việc tăng giá vé xe buýt, bà Phạm Thị Vân ngụ đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 thường đi xe buýt tuyến số 18 (Bến Thành quận 1 - chợ Hiệp Thành, quận 12) cho biết: “Với những tuyến xe buýt khác tôi không rõ nhưng tuyến xe buýt 18 tôi rất hài lòng vì xe mới, đẹp, máy lạnh mát còn có cả wifi và nhân viên phục vụ khá tốt. Ngồi xe buýt vừa an toàn, mát mẻ mà giá vé chỉ có 6.000 đồng/lượt với cả chặng đường 26km là quá rẻ so với các phương tiện khác”.

Cũng theo bà Vân, để thu hút hành khách đi xe buýt, thành phố cần tăng cường thay những xe buýt chất lượng để phục vụ các tuyến khác nữa. Việc tăng thêm 1.000 đồng không ảnh hưởng đến người dân bao nhiêu.

Còn em Lê Thành Kiên, SV năm thứ 3 trường Đại học GTVT cho biết, nhà ở quận Bình Thạnh ngày nào cũng đi học tận quận 9 bằng tuyến buýt 56. “Tuyến xe này cũ kỹ, đông nghẹt người. Gặp những hôm thời tiết nóng như hôm nay (10/4), chúng em ngồi trên xe mà cứ tưởng như ngồi trong “lò bánh mỳ”. Giá tăng 1.000 đồng không quan trọng. Điều hành khách mong chờ nhất là chất lượng phục vụ và chất lượng xe phải tốt và hiện đại hơn hiện nay. Nếu làm được việc này có tăng lên vài nghìn đồng hành khách cũng sẵn sàng chấp nhận”, Kiên chia sẻ.

TS. Nguyễn Quốc Hiển, Trưởng khoa Công trình giao thông, trường ĐH GTVT TP.HCM, người có nhiều đề tài nghiên cứu về xe buýt cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi chi phí đều tăng như hiện nay, tăng giá xe buýt thêm 1.000 đồng/lượt cũng hợp lý. Tuy nhiên, tăng giá xe buýt cần tính toán đến đầu tư, thay thế xe buýt cũ, cải tạo các trạm dừng, nhà chờ để phục vụ người dân tốt hơn. Còn nếu giá tăng mà chất lượng không tăng thì 1 đồng người dân cũng phản ứng.

2

Hành khách lên xe buýt số 18 (Bến Thành - chợ Hiệp Thành)

Chỉ tăng thí điểm trên một số tuyến

Theo tìm hiểm của PV, thực hiện đề án thay mới 1.680 xe mới, hiện TP đã thay được khoảng hơn 1.100 xe buýt cũ, đã xuống cấp, trong đó có cả xe buýt thường và xe buýt chạy bằng khí CNG. Những xe buýt cũ, rệu rã còn lại trong đề án sẽ tiếp tục thay mới trong năm 2018.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, sản lượng hành khách đi xe buýt năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, trung tâm đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cũng như sản lượng hoạt động xe buýt, qua đó khắc phục tình trạng sụt giảm sản lượng trong nhiều năm qua.

Trao đổi với PV, một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc tăng giá vé phải đồng hành với tăng chất lượng phục vụ như xe buýt tốt, thái độ phục vụ chuẩn mực… Thời gian đầu sẽ chỉ thực hiện thí điểm tăng giá vé ở một số tuyến, sau đó đánh giá kết quả mới thực hiện đại trà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.