Đường sắt đô thị

TP.HCM: Thêm 2 đoàn tàu tuyến metro số 1 chuẩn bị cập cảng Khánh Hội

17/06/2021, 13:23

Hai đoàn tàu thứ 4 và 5 của tuyến metro số 1 chuẩn bị cập cảng Khánh Hội vào ngày 20/6.

img

Đoàn tàu đầu tiên được nhập và vận chuyển về depot Long Bình vào tháng 10/2020

Sáng 17/6, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, diễn biến dịch Covid-19 bùng phát khiến việc nhập các đoàn tàu về Việt Nam bị ảnh hưởng. Đến nay đã nhập được 3/17 đoàn tàu về Việt Nam.

Rút kinh nghiệm từ các đợt vận chuyển trước, MAUR đã yêu cầu nhà thầu Hitachi lập kế hoạch chi tiết và đưa ra các phương án khắc phục, không bị động bởi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thời gian vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam đúng tiến độ.

Dự kiến, hai đoàn tàu thứ 4 và 5 của tuyến metro số 1 cập cảng Khánh Hội TP.HCM vào ngày 20/6. Sau khi hạ tải và thông quan, hai đoàn tàu này sẽ được đưa về depot Long Bình, TP. Thủ Đức vào ngày 21 và 23/6.

Cũng theo MAUR, đơn vị đã chuẩn bị để vận hành thử nghiệm tuyến metro số 1 theo từng giai đoạn, vận hành thử nghiệm trong depot, sau đó sẽ đẩy nhanh chạy thử tàu metro số 1, đoạn từ depot Long Bình đến ngã tư Bình Thái vào cuối năm nay.

Tiếp đến, chạy thử nghiệm từ depot đến ga Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như: hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray…

Theo kế hoạch ban đầu vào cuối năm 2021, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thương mại, tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 khiến việc đưa chuyên gia và nhập vật liệu thi công bị chậm nên dời sang năm 2022 chạy thử nghiệm.

Tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng, dài gần 20km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án đạt gần 86% khối lượng và dự kiến sẽ khai thác thương mại vào năm sau.

img

Đoạn tường vậy bao quanh ga Bến Thành đang được tháo dỡ phục vụ san lấp, tái lập mặt bằng

Theo MAUR, riêng với nhà ga Bến Thành, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, sau 5 năm ngăn vây để thi công, đến nay đã sắp hoàn thành, dự kiến tháng 8 sẽ tái lập và trả lại mặt bằng.

img

Song song với công tác phá dỡ tường vây, sàn đỉnh ga Bến Thành đang được thi công chống thấm chuẩn bị cho công tác san lấp

Trước đó, vào tháng 4, sau khi hoàn tất đổ bê tông sàn đỉnh nhà ga Bến Thành, lực lượng thi công hiện đang triển khai san lấp, khoan cắt tường vây, tái lập hoàn trả mặt bằng, đạp cát phía nhà ga Bến Thành và hầm Lê Lợi. Tiếp đến, đẩy nhanh hệ thống hạ tầng, kỹ thuật ngầm ở khu cấp thoát nước, thông tin tín hiệu…, dự kiến cuối tháng 12 toàn bộ mặt bằng dự án sẽ được hoàn trả.

Theo đại diện nhà thầu gói CP1a, đến nay ga Bến Thành đạt tròn 90% tổng khối lượng, 10% khối lượng còn lại chủ yếu là phần kiến trúc, cơ điện trong nhà ga và 1 phần công tác tái lập hoàn trả mặt bằng.

"Diễn biến dịch bệnh phức tạp, công trường đã lập đội chống dịch, giám sát chặt chẽ công nhân ra vào đo thân nhiệt, phòng dịch 5K, chia nhóm nhỏ đứng giãn cách, khử khuẩn khu sinh hoạt, khai báo y tế theo tổ đội...", phía nhà thầu cho biết.

Như Báo Giao thông đưa tin, 3 đoàn tàu metro trước đó đã đưa về, lắp ráp trên đường ray tại depot Long Bình (khu trung tâm điền khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu của tuyến metro số 1) tại TP.Thủ Đức.

Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu, trong đó giai đoạn đầu là tàu loại 3 toa và sau này loại 6 toa, đều sản xuất tại Nhật Bản.

Mỗi tàu 3 toa dài 61,5 m, chở được 930 khách (đứng, ngồi). Tàu thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn một km nên khi khai thác, các tàu dự kiến chạy khoảng 40 km/h.

Sang năm 2022, chủ đầu tư tiếp tục thử nghiệm chạy tàu từ depot đến ga Tân Cảng và sau đó chạy thử toàn tuyến.

Cùng với việc thử nghiệm, chủ đầu tư cũng vận hành 11 hệ thống khác như: hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.