Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM (đơn vị thu phí) cho biết, sau 12 ngày vận hành thu phí trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố, công tác thu phí diễn ra ổn định.
16.000 tỷ thu được trong 5 năm
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa, từ ngày 1/4 đến ngày 12/4, đơn vị đã thu với số tiền là 90 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, thành phố thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng/ngày. Như vậy, số tiền phí ngày đầu tiên gần bằng bình quân số thu mỗi ngày dự kiến trong đề án thu phí.
Dự kiến năm 2022, TP.HCM thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng/ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM cho biết, hình thức thu phí của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố không sử dụng tiền mặt mà thông qua hệ thống 24/7 của các ngân hàng thương mại, không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Khi doanh nghiệp nộp phí, dữ liệu sẽ được tích hợp về các cổng cảng biển để quản lý xe ra vào.
“Đối với các doanh nghiệp đã làm tờ khai thu phí nhưng chưa kịp nộp tiền, xe chở hàng vẫn ra cảng bình thường. Hải quan và cảng vụ sẽ tiến hành đối soát và gửi thông báo chưa đóng phí cho doanh nghiệp. Việc xử lý như trên để không làm ảnh hưởng tới vận chuyển hàng hóa ra vào cảng”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, khi mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp có thể đóng tiền luôn hoặc để sau khi hàng di chuyển mới nộp tiền. Do đó, hơn 36 tỷ đồng là số tiền thực tế đã thu, số còn lại chắc chắn khi nào hàng di chuyển, doanh nghiệp sẽ nộp phí.
Ông Nguyễn Văn Hải, đại diện Công ty TNHH Thương Mại và Vận Tải Biển Hồng Hải chia sẻ, thủ tục đóng tiền nhanh chóng, đơn giản, cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ càng, không phiền hà cho doanh nghiệp.
“Khi phải đóng phí tất nhiên chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng. Thế nhưng nguồn thu này được các cơ quan chức năng quản lý, sử dụng minh bạch để đầu tư mới, nâng cấp hệ thống cảng biển, đi lại thuận tiện thì cũng hợp lý”, ông Hải nói.
Từ 0h ngày 1/4, TP.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).
Tiền thu về dùng để làm gì?
Theo Sở GTVT TP.HCM, sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được dùng để đầu tư mới, tái đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông cảng biển. Dự kiến các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển có tổng mức đầu tư khoảng 93.247 tỷ đồng giai đoạn 2020 - 2030.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, trước tình hình ngân sách thành phố khó khăn (giai đoạn 2021- 2026), có thêm nguồn thu từ thu phí cửa khẩu cảng biển là rất quan trọng. Nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách thành phố để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến trong 5 năm sẽ thu phí cảng biển với số tiền 16.000 tỷ đồng.
Số tiền này để đầu tư các dự án như: mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao thông Mỹ Thủy hoàn chỉnh theo quy hoạch; khép kín đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đên nút giao Gò Dưa (trên QLl); mở rộng đường Võ Chí Công, đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến Vành đai 2); đầu tư xây dựng mới đường D7 (đoạn từ đường 990 đến đường Võ Chí Công, xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP).
Mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm); hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, nạo vét tuyến đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.
Ngoài ra, thành phố còn bố trí một phần ngân sách của thành phố (đối ứng) để đầu tư các công trình như: Xây dựng nút An Phú khác mức (thành phố đầu tư, sử dụng một phần vốn trung ương); mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đủ quy mô theo quy hoạch kết hợp xây dựng các đường song hành trên địa bàn TP.HCM; xây dựng đường Vành đai 3: đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; xây mới cầu Cát Lái (phối hợp với tỉnh Đồng Nai); xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình, TP.Thủ Đức (thực hiện theo hình thức PPP).
Theo Sở GTVT, như vậy lộ trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối khu vực cảng biển sẽ được đẩy nhanh hơn, khi có nguồn thu phí cảng biển bổ sung vào ngân sách thành phố. Sau 5 năm thực hiện thu phí cảng biển cùng với sự đầu tư của thành phố, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển sẽ cơ bản hoàn thành theo quy hoạch.
Có dừng thu phí sau khi các đơn vị vận tải kiến nghị?
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi các hiệp hội, đơn vị vận tải kiến nghị về việc dừng thu phí, Sở đã tập hợp các ý kiến trên và gửi UBND TP xem xét.
Hiện nay hệ thống thu phí trôi chảy, chỉ có một số phát sinh trên cổng thu phí như luồng hàng, biên lai do mình không lường hết được tình hình thực tế. Tuy nhiên, những vấn đề này không ảnh hưởng gì đến công tác thu phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận