Vận tải

TP.HCM: Thua lỗ nặng, nhiều tuyến buýt nguy cơ đóng cửa

29/05/2020, 10:00

Sau thời gian tạm ngưng do dịch Covid-19, hầu hết tuyến buýt tại TP.HCM vắng khách, phải giảm chuyến. Nhiều DN vận tải đối mặt nguy cơ phá sản.

img
Bến xe buýt Hàm Nghi vắng khách. Ảnh: Đỗ Loan

Khách đìu hiu

Ghi nhận của PV những ngày giữa tháng 5 tại trạm xe buýt Hàm Nghi, quận 1, dù là thời gian cao điểm buổi sáng nhưng lượng hành khách tại bến rất thưa thớt.

Trực tiếp lên tuyến xe buýt số 18, 43, 86 đi một đoạn đường để quan sát, PV ghi nhận trên xe chỉ lèo tèo vài hành khách, thậm chí có những xe không có hành khách nào.

Em Nguyễn Thu Thủy, sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, sau khi được đi học trở lại do nghỉ dịch Covid-19 vẫn sử dụng xe buýt làm phương tiện hàng ngày để đi học. Tuy nhiên, gần đây một số bạn bè cùng trường lại ít đi xe buýt hơn, có lẽ tâm lý còn e ngại sợ dịch nơi công cộng.

Nhìn hai dãy ghế trên xe còn trống, anh Trần Văn Thái, tài xế tuyến 86 (Bến Thành - ĐH Tôn Đức Thắng) buồn rầu nói: “Thời điểm chưa giãn cách xã hội khách đi xe buýt đã giảm dần. Sau khi các tuyến xe buýt được hoạt động trở lại từ ngày 11/5, khách đi xe buýt cũng không còn nhộn nhịp như trước nữa”.

Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM, trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, khối lượng vận chuyển hành khách giảm sút nghiêm trọng, có thời điểm giảm tới 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau khi xe buýt được hoạt động trở lại từ ngày 11/5, đến nay khối lượng vận chuyển hành khách trong 2 tuần đạt trên 6,7 triệu lượt, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp kêu cứu

img
Có chuyến xe buýt chỉ có vài hành khách và nhân viên

Trao đổi với PV, ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX xe buýt TP HCM cho biết, sản lượng xe buýt trên toàn thành phố hiện nay giảm khoảng 50%.

Do không có khách nên số chuyến bị cắt giảm, đời sống nhân viên, tài xế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ ngân hàng không có tiền trả lãi…

“Rất nhiều doanh nghiệp xe buýt có ý kiến gửi thành phố đề nghị sớm tháo gỡ khó khăn. Nếu kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, hệ thống xe buýt TP HCM không thể phát triển được”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, tuyến xe buýt số 56 (Bến xe Chợ Lớn - ĐH GTVT) và tuyến xe buýt số 14 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây) lượng khách giảm mạnh, nên mỗi xe đang phải gánh nợ ngân hàng lên đến 300 triệu đồng.

Nếu vướng mắc này kéo dài, Liên hiệp HTX xe buýt TP HCM sẽ đề xuất Sở GTVT xem xét cho đóng hai tuyến này. Hiện những tuyến này đang được hỗ trợ nhằm giải quyết và tháo gỡ khó khăn trước mắt về tài chính cho đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX 19/5 cũng cho biết, đang đứng ngồi không yên vì nhiều tuyến xe buýt do HTX khai thác sụt giảm mạnh, trong khi đó lãi vay ngân hàng để đầu tư xe mới còn chồng chất.

Hiện HTX có 300 xe buýt mới mua bằng tiền vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả lãi gần 2 tỷ đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX số 15 cho biết, trong tháng 6, Sở GTVT mới tăng hết tần suất các chuyến nên hiện nay tất các các tuyến xe buýt cũng chỉ chạy được 80%. Hiện tại, giờ cao điểm được khoảng 20 hành khách thay vì 30 - 40 hành khách như trước.

Trước vấn đề này, Sở GTVT TP HCM cho biết, đã rà soát, tham mưu kiến nghị cấp thẩm quyền nhiều biện pháp hỗ trợ cho các trường hợp, đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chẳng hạn, đã đề xuất miễn, giảm lãi vay và kéo giãn thời gian vay, giãn trả nợ gốc của các tổ chức tín dụng; miễn, giảm hoặc giãn các khoản thuế có liên quan như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế đất...

Ngoài ra, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM cũng đang khẩn trương tham mưu Sở GTVT báo cáo UBND TP bổ sung kinh phí trợ giá năm 2020. Đây là giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải sau thời gian ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Taxi, xe hợp đồng cũng giảm mạnh

Không chỉ xe buýt, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, từ đầu năm đến nay doanh thu bị sụt giảm nặng nề do dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với hoạt động của vận tải hành khách liên tỉnh (từ TP HCM đi các tỉnh và ngược lại) tại các bến xe, có thời điểm giảm tới 96% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị vận tải taxi, hợp đồng, lượt hành khách và lợi nhuận cũng giảm 40 - 50% so với cùng kỳ.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, Giám đốc Taxi Vinasun cũng cho biết, trong giai đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh thu của công ty đã giảm từ 40 - 50%, nhiều tài xế trả xe, nghỉ việc.

Doanh thu bị tổn thất khoảng 50 tỷ đồng/tháng, trong khi đó, toàn bộ phí, lãi suất ngân hàng vẫn phải chi trả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.