Mô hình tuyến BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) |
Trước một số thông tin cho rằng TP.HCM ngừng triển khai dự án buýt BRT, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM khẳng định thông tin trên là chưa chính xác. Theo ông Phúc, Sở GTVT và Ban Giao thông - Đô thị vẫn kiến nghị UBND TP tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM, trong đó có buýt BRT. Tuy nhiên, TP sẽ cập nhật, bổ sung, điều chỉnh một số hạng mục, cấu phần dự án nhằm đảm bảo phù hợp với đặc điểm giao thông và đô thị.
Cùng quan điểm, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP HCM cũng khẳng định chưa có chủ trương dừng dự án BRT. Ông Hoan cũng cho biết, vừa qua đoàn công tác TP.HCM trong chuyến công tác tại Mỹ đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có nội dung phát triển BRT và được WB ủng hộ. Đại diện của WB khuyến khích TP.HCM nghiên cứu kỹ từ nhận thức, tuyên truyền đến phân luồng, tổ chức giao thông, đầu tư…
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM, trong đó có buýt BRT vẫn đang được triển khai, nhưng phân kỳ đầu tư. Buýt BRT là một hệ thống khép kín như làn đường riêng, phương tiện riêng, hệ thống bán vé riêng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông ưu tiên tại các nút giao… để đảm bảo buýt nhanh trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu triển khai buýt BRT vào thời điểm hiện tại với suất đầu tư cao, lượng hành khách chưa đủ sẽ lãng phí. Thay vào đó, thành phố sẽ chuyển sang buýt chất lượng cao, trên làn đường riêng đó các loại xe buýt khác vẫn được lưu thông sẽ tránh lãnh phí. Cùng với đó hệ thống vé xe buýt điện tử cũng sẽ được triển khai đầu tư để sau này sử dụng chung cho toàn bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm cả xe buýt, metro, BRT… Hệ thống tín hiệu giao thông cũng đang được đầu tư trên dọc tuyến để sau này khi lượng hành khách tăng lên sẽ sử dụng BRT cho phù hợp.
Các tuyến BRT dự kiến tại TP.HCM Tuyến số 1: Dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài khoảng 23 km. Tuyến số 2: Theo đường Nguyễn Văn Linh từ bến xe Miền Tây tới cầu Phú Mỹ, dài khoảng 24 km. Tuyến số 3: Dọc theo đường vành đai 2 từ ngã tư An Sương đến bến xe Miền Tây mới, dài khoảng 19 km. Tuyến số 4: Theo trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi từ đường Kha Vạng Cân đến công viên Chiến Thắng, dài khoảng 14,5 km. Tuyến số 5: Theo trục đường Thoại Ngọc Hầu - vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh, dài gần 9 km. Tuyến số 6: Dọc theo đường Quang Trung, theo hướng tuyến Monorail số 3 dài khoảng 8,5 km. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận