Chiều 14/12, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới hậu Covid-19".
Tham dự hội nghị trực tiếp có lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Sở, ban, ngành. Từ các điểm cầu trực tuyến có đại sứ Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan, Phó đại sứ Phạm Thúy Nga, đại diện lâm thời Việt Nam tại Australia...
Toàn cảnh Hội nghị Gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá, dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua đã để lại nhiều đau thương, gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Trong khó khăn, càng hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào cũng như cảm nhận được sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay đã thắt chặt, gắn kết hơn nữa người Việt ở trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn ra, kiều bào khắp mọi nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Ai Cập, Mozambique, Campuchia, Thái Lan, Singapre, Lào, Đức, LB Nga, Thụy Sỹ... đã tích cực quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19.
Cụ thể, Hội người Việt Nam tại Đài Loan (Trung quốc), Hội người Việt Nam tại Thái Lan, tại Malaysia... ủng hộ tiền, khẩu trang, thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, các mặt hàng nông sản gồm rau, củ quả... để phục vụ tuyến đầu và bà con nhân dân TP.HCM.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, mong muốn tại hội nghị gặp gỡ sẽ tiếp tục được nghe nhiều ý kiến đóng góp của đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào. Đồng thời, trân trọng tình cảm, tin tưởng sự gắn kết của chuyên gia, trí thức... chung tay phục hồi và phát triển một cách bền vững, toàn diện.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM hy vọng kiều bào sẽ tiếp tục hướng về TP.HCM hiến kế, góp ý, đề xuất ý tưởng nhằm vực dậy vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Một trong số những đóng góp ý tưởng để TP.HCM sớm phục hồi kinh tế sau Covid-19, Giáo sư Hà Tôn Vinh, người Việt Nam ở Mỹ chia sẻ, năm 2022 năm thử thách, thành phố cần bảo đảm rằng đại dịch sẽ không bùng phát trở lại để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, và người dân trở lại sinh hoạt và chi tiêu bình thường.
"Chính quyền, doanh nghiệp cần đảm bảo công việc và thu nhập ổn định, chăm lo đời sống và sức khỏe cho người lao động để tái khởi động và sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp có thêm nhiều chương trình kích cầu mua sắm thường xuyên, theo mùa, hoặc dịp đặc biệt…:, Giáo sư Hà Tôn Vinh nói.
Tương tự, bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa giáo dục Đài Việt góp ý kiến, những nguồn lực lớn về thu hút đầu tư liên quan đến lĩnh vực điện, điện tử từ các nhà đầu tư Đài Loan vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Bà Trân cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ để TP.HCM thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ Đài Loan về điện, điện tử, y tế…
Còn ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore nhìn nhận, TP.HCM cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt đầu từ việc xây dựng, quảng bá thương hiệu thành phố, vươn mình trở thành một "Megacity" - siêu đô thị mới của thế giới. Qua đó hướng đến thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung tái hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Đăng cho rằng ,TP.HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam, là "cửa ngõ" giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, cơ sở hạ tầng cũng dần nâng cấp, là đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không…
Thương hiệu của TP.HCM cần xây dựng xung quanh "4 chữ C": Clear (Sự rõ ràng), Consistent (Tính đồng nhất), Conviction (Sức thuyết phục) và Class (Tính ưu việt).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận