Năm 2017, TP HCM sẽ thay 850 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG - Ảnh: Đỗ Loan |
Nhiều bất cập khiến khách đi xe buýt sụt giảm
Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, năm 2016, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt 567 triệu lượt hành khách (chỉ đạt 95% so với kế hoạch năm 2016 và giảm 1% so với cùng kỳ). Trong đó, xe buýt đạt 326 triệu lượt (đạt 88% so với kế hoạch năm 2016 và giảm 2,3% so với cùng kỳ). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản lượng hành khách xe buýt giảm, trong đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, việc phát triển bến bãi còn chậm,... khiến hoạt động của xe buýt chưa thuận lợi.
“Cùng đó, việc chưa có làn đường ưu tiên cho xe buýt khiến xe chạy chậm, thường xuyên muộn giờ; phương tiện xe buýt đã xuống cấp, thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt; lộ trình của các tuyến xe buýt chưa đảm bảo...”, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM thông tin.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định, hết 6 tháng đầu năm 2017 sẽ chặn đà suy giảm sản lượng xe buýt bằng nhiều giải pháp. Trong đó, thành phố sẽ cơ cấu lại mô hình các doanh nghiệp đảm bảo đồng đều chất lượng phục vụ, ứng dụng khoa học vào quản lý, đầu tư trung tâm điều hành hệ thống xe buýt, đẩy mạnh quảng cáo 100% trên toàn tuyến xe buýt, tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt... |
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, năm 2017, UBND TP.HCM yêu cầu tìm giải pháp nâng cao chất lượng để tăng sản lượng hành khách đi xe buýt. Sở GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị phải đạt tối thiểu 600 triệu lượt hành khách vận tải công cộng năm 2017. Riêng xe buýt đạt 295 triệu lượt/năm.
Để đạt con số trên, theo ông Trung, quý I/2017 Trung tâm đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp cấp thiết. Cụ thể, sẽ triển khai một số tuyến xe buýt nhanh phục vụ học sinh, sinh viên. Những tuyến xe buýt này không dừng, đỗ đón khách tại các trạm mà chỉ chạy theo một lộ trình nhất định. Trước mắt, sẽ thí điểm ở công viên 23/9 - ĐHQG. Cùng đó, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học tổ chức khảo sát nhu cầu đi xe đưa đón của học sinh trên địa bàn, nghiên cứu tổ chức việc đưa đón học sinh theo hình thức liên trường.
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc đầu tư thay thế xe buýt mới theo đề án 1.680 xe buýt. Theo đó, sẽ thay 850 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG để thay thế các xe buýt cũ còn lại của các tuyến trợ giá; Đồng thời, cuối năm 2017 sẽ áp dụng hệ thống vé điện tử thông minh để trợ giá trực tiếp cho khách hàng”, lãnh đạo Trung tâm cho biết.
Xem thêm video:
Dành làn đường riêng cho xe buýt
Cũng theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, dự kiến ngay trong quý I/2017 sẽ làm đường ưu tiên cho xe buýt trên các tuyến đường: Trường Chinh, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến khu du lịch Suối Tiên), Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn), Phạm Văn Đồng…
Theo đó, trên đường Trường Chinh, ở mỗi chiều đường sẽ chọn làn ôtô gần dải phân cách bê tông giáp hai làn xe máy làm làn đường dành riêng cho xe buýt và đặt dải phân cách bằng thép suốt tuyến (trừ những điểm đi qua giao lộ) ngăn làn đường xe buýt với hai làn đường ôtô còn lại. Trên đường Cộng Hòa, tại mỗi chiều đường, chọn làn ở giữa làn ôtô và làn xe máy làm đường dành riêng cho xe buýt, lắp đặt dải phân cách thép ở mỗi chiều để ngăn riêng làn xe buýt và làn xe máy; làn ôtô sát dải phân cách bê tông ở giữa và làn dành riêng cho xe buýt được phân biệt bằng vạch sơn.
Sở GTVT đã thống nhất với các cơ quan liên quan về việc lập phương án làn ưu tiên, làn dành riêng cho xe buýt theo các nhóm ưu tiên sau: Nhóm 1 (tổ chức cho xe buýt lưu thông trong làn hỗn hợp cùng xe hai bánh); Nhóm 2 (tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên các tuyến đường hoặc làn đường có dải phân cách phân cứng phân làn phù hợp); Nhóm 3 (tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt các tuyến đường hoặc đoạn đường trên cơ sở quy hoạch lộ trình tuyến xe buýt nhanh).
Đánh giá về tình trạng xe buýt hiện nay, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó chủ nhiệm HTX 15 cho rằng, việc Trung tâm điều chỉnh lại luồng tuyến, làm đường ưu tiên cho xe buýt là rất cần thiết. “Ngoài ra, có thể xem xét thay đổi giá vé cho phù hợp với lộ trình nửa tuyến hay cả tuyến. Chẳng hạn giá vé 6.000 đồng trợ giá toàn tuyến 18km, nhưng khách hàng đi 3km, có thể giảm xuống thay vì cũng phải trả 6.000 đồng như hiện nay. Điều này sẽ có lợi cho khách hàng cũng như doanh nghiệp vận tải”, ông Tạo nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận