Trung tâm điều hành giao thông sắp tới sẽ giám sát hơn 200 chốt đèn giao thông trên địa bàn TP.HCM |
TP.HCM đã triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025. Nhiều người hi vọng chỉ trong khoảng thời gian ngắn nữa người dân thành phố sẽ được hưởng nhiều tiện ích mà công nghệ điện tử đem lại.
Công nghệ thông tin thông minh
Sáng 28/11, anh Nguyễn Đình Chiến có việc vào khu vực trung tâm quận 1. Để “ăn chắc” khi vào trung tâm có vị trí đỗ xe, anh Chiến lấy điện thoại vào ứng dụng My Parking và chọn một chỗ đỗ xe trên đường Lê Lai, đồng thời thanh toán trước tiền gửi xe. Khi đến nơi, nhân viên thấy biển số xe của anh Chiến biết là xe đã đặt chỗ nên nhanh chóng hướng dẫn vào vị trí.
Bạn Hoàng Văn Quốc, sinh viên trường Đại học Nông Lâm (Q.Thủ Đức) hôm nay có việc đi thăm người thân ở đường An Dương Vương, phường 16, quận 8. Cũng từ chiếc smartphone, Quốc vào ứng dụng Busmap để tìm các tuyến xe buýt. Ứng dụng chỉ cho Quốc nên đi bộ ra trước UBND phường Linh Trung, sau đó đón tuyến xe buýt số 93 đi đến trạm trên đường Tôn Thất Tùng (Q.5). Tại đây đón tuyến xe số 46 đi ngang qua đường An Dương Vương là tới nhà. Quốc đã theo chỉ dẫn này và đi đến nơi một cách thuận tiện.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, ngoài những giải pháp trên, giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành Giao thông sẽ xây dựng dữ liệu mở về giao thông và dự báo giao thông. Xây dựng kênh thông tin tương tác thời gian thực với người dân để nhận các tin báo, đóng góp, phản hồi về tình hình giao thông, các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, các sự cố tai nạn… Những giải pháp này khi triển khai rộng rãi không chỉ đem lại lợi ích cho người dân mà giúp nhà quản lý bớt đi nhiều công sức nhưng hiệu quả quản lý cao hơn. |
Tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn có một trung tâm điều hành giao thông thông minh quản lý các chốt giao thông trên đường Võ Văn Kiệt. Sáng 28/11, nút giao đường Võ Văn Kiệt - Phạm Phú Thứ lượng phương tiện hướng từ miền Tây đổ về trung tâm thành phố rất đông, ô tô phải xếp hàng chờ đèn đỏ. Qua quan sát hệ thống camera, cán bộ tại trung tâm đã điều chỉnh thời gian dừng đèn đỏ trên đường Võ Văn Kiệt ngắn lại để ô tô thoát nhanh, tránh ùn tắc. Những thuận tiện trên do TP.HCM áp dụng công nghệ thông tin thông minh kết hợp thiết bị hiện đại của người dân…
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, hiện trung tâm đang kiểm soát 25 chốt đèn giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, 4 chốt đèn trên đường Đồng Văn Cống là điểm nóng vào cảng Cát Lái và chốt vòng xoay Lăng Cha Cả vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tùy vào tình hình thực tế giao thông trên đường, cán bộ kỹ thuật tại trung tâm sẽ điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu để đảm bảo giao thông thuận tiện, tránh xảy ra ùn tắc. Trong năm 2018, sẽ triển khai kết nối với 200 chốt khác trên địa bàn TP, lúc đó sẽ kiểm soát được giao thông trên diện rộng. Đó là những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý một số lĩnh vực giao thông mà Sở GTVT TP.HCM đã áp dụng.
Giải pháp thông minh không phải chiếc đũa thần
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết, đang nghiên cứu để triển khai loại vé điện tử liên thông. Tức sau này toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố gồm xe buýt, tàu điện ngầm… đều sử dụng chung một loại vé điện tử. Hành khách chỉ cần dùng một loại vé là đi được tất cả các phương tiện này ở các tuyến khác nhau.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc triển khai các giải pháp thông minh, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đô thị, giao thông sẽ có tác động lớn, đem đến nhiều lợi ích cho người dân. Chẳng hạn, trước khi ra khỏi nhà đi đến một điểm nào đó, nếu người dân được cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình giao thông, thậm chí là cả hình ảnh kẹt xe như thế nào giúp họ lựa chọn hướng đi hợp lý. Từ đó, sẽ có tác động là hạn chế ùn tắc, kẹt xe, giảm các thiệt hại cho xã hội, môi trường.
Câu hỏi mà nhiều người đạt ra là việc xây dựng đô thị thông minh liệu có hết ùn tắc, kẹt xe, ngập nước hay không, bởi đây là căn bệnh trầm kha mà nhiều năm qua TP.HCM không trị được?
Việc này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần hiểu đô thị thông minh là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân tốt hơn. Còn những vấn đề xã hội như ùn tắc, kẹt xe, ngập nước… xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có cả ý thức con người. Nếu xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh mà người tham gia giao thông vẫn vượt đèn đỏ, chạy lên vỉa hè, vứt rác bừa bãi… thì ùn tắc, kẹt xe, ngập nước vẫn xảy ra.
“Các giải pháp xây dựng đô thị thông minh không phải là chiếc đũa thần để giải quyết triệt để ùn tắc, kẹt xe, ngập nước. Quan trọng là mỗi người dân phải có ý thức chung để cùng chính quyền xây dựng một đô thị ngày càng hiện đại, đáng sống hơn”, kiến trúc sư Nam Sơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận