Đường Vành đai 4 sau khi hình thành sẽ tạo sự đồng bộ trong kết nối giao thông giảm áp lực xe cộ qua nội ô TP.HCM. |
Ngày 25/8, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về các vấn đề giao thông, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Cửu Long CIPM) đã đề xuất các phương án xây dựng dự án thành phần đoạn Bến Lức-Hiệp Phước thuộc dự án đường Vành đai 4, (TP.HCM) kết nối giao thông từ TP.HCM-Long An.
Theo đơn vị tư vấn thiết kế, dự án có điểm đầu ở nút giao Bến Lức (gần nút giao với đường cao tốc TPHCM-Trung Lương) điểm cuối kết nối với khu quy hoạch cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè.
Sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ có 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5m. Trên tuyến có 10 cầu vượt sông và 1 cầu vượt nút giao tại nút giao QL1. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.707 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn được huy động đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là dự án rất cần thiết để phát triển cảng Hiệp Phước mà còn cả khu đô thị Hiệp Phước. Đơn vị tư vấn cần cập nhật các quy hoạch phát triển của TP, nghiên cứu tính toán thu hồi quỹ đất để kêu gọi đầu tư... tính toán các phương án nghiên cứu kêu gọi vốn đầu tư để phối hợp cùng Bộ GTVT. Sau khi bàn bạc thống nhất UBND TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc với Bộ GTVT về dự án này.
Sơ đồ phác họa các tuyến đường Vành đai khép kín ở TP.HCM. |
Tại cuộc họp Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và TP.HCM, Long An, trong đó chú trọng xây dựng phương án kêu gọi vốn đầu tư. Các vấn đề khác cũng cần được làm rõ như việc kết nối giao thông trên khu vực đó tính toán như thế nào, phương thức thu phí, phương án đầu tư phải rõ ràng để kêu gọi đầu tư…
Sau khi hình thành đường Vành đai 4 cùng với dự án đường Vành đai 3 (đang kêu gọi đầu tư) đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đưa vào khai thác sẽ tạo sự đồng bộ kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận. Do đó tuyến đường này có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM. Ngoài ra cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối kết nối khu vực Tây Nam bộ với khu vực miền Đông nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.
Liên quan đến vấn đề GPMB tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, ông Hoàng Thanh Hải, giám đốc Ban QLDA đường cao tốc này cho biết đến nay trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM) còn 73 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trên địa bàn tỉnh Long An còn 1 hộ dân. Do đó chủ đầu tư mong TP.HCM và tỉnh Long An hỗ trợ trong công tác thực hiện GPMB để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Về việc này, lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Long An cam kết trong tháng 10 tới sẽ phấn đấu bàn giao dứt điểm mặt bằng cho nhà đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận