Nhà hát TP hiện nay được xây dựng từ năm 1900 |
Ngày 8/10, HĐND TP HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 10) để xem xét một số tờ trình liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và một số nội dung khác.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã trình HĐND TP tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP (từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1) với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, được xây dựng trong giai đoạn 2018-2022. “Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Liêm nhấn mạnh.
Về chương trình sữa học đường, UBND TP.HCM đặt mục tiêu 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học các trường tham gia đề án được uống sữa theo chương trình sữa học đường. Đồng thời, 100% cha mẹ học sinh, người chăm sóc có con em tham gia đề án được truyền thông, tư vấn về chương trình sữa học đường.
Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỷ đồng (50% kinh phí mua sữa). Riêng học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hay sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội được ngân sách và doanh nghiệp hỗ trợ 100%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận