Đô thị

TP.HCM: Xe hơi, hàng rong bủa vây nhà chờ xe buýt

27/12/2022, 06:38

Khi hành khách tiếp cận xe buýt khó khăn ngay tại khu vực bến, họ sẽ có tâm lý từ bỏ đi xe buýt lâu dài.

Hàng ngày, rất nhiều hành khách tại trạm xe buýt tuyến số 30, 52 trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM (khu vực Hồ Con Rùa) phải xuống giữa lòng đường đón xe buýt, do rất nhiều xe hơi đậu dưới lòng đường chiếm chỗ.

Ngang nhiên đỗ xe trước nhà chờ

img

Chiếc xe sang hiệu Mercedes chiếm trạm xe buýt tại Hồ Con Rùa sáng 19/12

10h sáng 19/12, có mặt tại trạm dừng chờ xe buýt khu vực Hồ Con Rùa để đón chuyến xe số 30 từ Đại học Quốc gia để về quận Tân Bình, ghi nhận của PV cho thấy, cả dãy xe hơi đậu thành hàng dài hai bên đường Phạm Ngọc Thạch.

Thậm chí, chiếc xe sang hiệu Mercedes BKS 51G-213.36 còn ngang nhiên đậu thẳng lên vạch ký hiệu cho xe buýt ra vào.

Dãy xe hơi che khuất hết tầm mắt, khách đi xe buýt phải nhoài người ra ngóng xe. Thỉnh thoảng, có người phải bước xuống lòng đường để ngóng xe buýt từ xa.

Khi xe tuyến 30 vừa tới, không có chỗ vào trạm, lái xe buộc phải dừng xe, mở cửa giữa đường đón khách. Tình trạng này kéo dài cả giờ đồng hồ, xe buýt đến rồi đi, đón khách giữa đường, chủ xe Mercedes vẫn biệt tăm.

Đáng nói, chờ mãi chủ xe cũng tới và lái xe đi nhưng… một chiếc xe khác lại lập tức “điền vào ô trống” nhưng không có bất kỳ lực lượng nào xử lý, dù nhiều hành khách rất bức xúc.

Theo quan sát của PV, ngay gần nhà chờ xe buýt này là nhà hàng Phố 79 và quán cà phê CASA. Đây là hai nhà hàng, cà phê sang trọng bậc nhất ở khu vực này, địa thế đẹp.

Khách hàng đều là những người có thu nhập tốt, đi xe hơi. Có 2 - 3 bảo vệ hướng dẫn hoặc đánh xe hơi cho khách “tìm” chỗ đậu ngay dưới lòng đường, kể cả... trạm xe buýt.

Bất kể lúc nào, đặc biệt là buổi sáng, đoạn đường này cũng dày đặc ô tô. Điều ngạc nhiên là không thấy lực lượng trật tự đô thị hay CSGT nhắc nhở, xử phạt.

Ở phố trung tâm là vậy, ở quận vùng ven cũng chẳng khá hơn. Trạm xe buýt Nhà sách Nhân Văn trên đường Tân Hương (quận Tân Phú, đối diện nhà thờ Tân Hương) cũng bị quán xá quây kín.

Theo quan sát, một quán cháo lòng ngang nhiên bao gọn, ôm cả trạm. Cách đấy vài mét, ký hiệu vạch vàng cho xe buýt vào trạm cũng bị hàng quán lấn chiếm, thỉnh thoảng lại có vài chiếc xe hơi... “quá cảnh” trong vạch dừng của xe buýt.

“Đứng ở đây đón xe nhiều lúc chúng em rất bối rối, bởi có khi những người bán hàng rong còn nói những lời khó nghe, kiểu như mình đứng đó là họ không bán được hàng”, bạn Hoàng Yến, một sinh viên bức xúc.

Đừng để hành khách quay lưng

img

Trạm xe buýt trên đường Tân Hương, quận Tân Phú bị lấn chiếm bán hàng

Không chỉ hai địa điểm trên, tình trạng trạm xe buýt bị lấn chiếm rất phổ biến trên các đường phố ở TP.HCM. Rất nhiều trạm không có bảng, chỉ kẻ vạch vàng trên đường. Như vậy, với những hành khách mới đi xe buýt lần đầu rất khó để tìm ra trạm.

Thừa nhận tình trạng này, ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho hay, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với địa phương để kiểm tra. Khi phát hiện những điểm lấn chiếm, trung tâm trực tiếp hoặc có văn bản yêu cầu địa phương xử lý.

“Tuy nhiên, khi kiểm tra thì họ thu dọn, lực lượng chức năng đi khỏi là đâu lại vào đó. Địa phương không vào cuộc thì chúng tôi cũng bó tay”, ông Ân nói.

img

Trạm bị xe hơi lấn chiếm, hành khách phải xuống giữa đường để lên xe

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, việc các trạm xe buýt bị chiếm dụng, thoạt nhìn có vẻ như chuyện nhỏ song nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ của xe buýt. Khi hành khách tiếp cận xe buýt khó khăn ngay tại khu vực bến, họ sẽ có tâm lý từ bỏ đi xe buýt lâu dài.

Cũng theo vị này, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực đầu tư và bền bỉ vận động người dân đi xe buýt, coi đó là chiến lược hàng đầu của lĩnh vực giao thông đô thị. Toàn thành phố có 128 tuyến xe buýt, trong đó có 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá, năm 2022 số tiền trợ giá ước trên dưới 1.500 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng mỗi năm. Thế nhưng, cứ đổ tiền vào nhưng đích đến là tính hiệu quả, việc chăm sóc cho hành khách lên xe lại không được quan tâm.

“Nỗ lực của ngành giao thông thành phố là rất đáng ghi nhận. Trên xe đã tốt hơn, dưới bến (trạm) cũng phải tốt thì mới thu hút hành khách. Cơ quan chức năng địa phương cần xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm trạm xe buýt, trả lại không gian và cả sự thuận lợi, công bằng cho hành khách”, vị này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.