Xã hội

TP.HCM: Xóa bỏ tên đường trùng, phản cảm

13/12/2016, 07:39

TP.HCM hiện có khoảng 2.100 tên đường tạm, đường trùng nhau khiến việc quản lý khá rắc rối.

16

Kênh Nước Đen là một trong những đường cần đổi tên mới 

Quá nhiều đường vô nghĩa, phản cảm

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM, hiện trên địa bàn còn hơn 2.100 tên đường tạm, đường trùng nhau, đường không có ý nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ cần được đặt, đổi tên. Cụ thể như: Đường đo đạc bản đồ, Đường 6 Tia - 8 Chắc - Reo - 9 Bi, Kênh nước đen, Lò Lu… Trong đó, có tới hơn 1.770 tên đường tạm và chưa có tên, có thể kể ra một vài tên đường tạm toàn chữ lẫn số như: Đường D2, D3, D5. Hay hàng trăm tên đường trùng nhau như: Phạm Viết Chánh, Chu Văn An, Lê Quý Đôn...

Anh Trần Văn Nhã, nhà ở đường Kênh Nước Đen, quận Bình Tân ngao ngán: “Vừa rồi tổ chức đám cưới con trai, tôi cầm tấm thiệp rất đẹp đi mời bạn bè, nhưng nhìn địa chỉ nhà mình tôi thấy buồn với tên đường “Kênh Nước Đen”. Theo tôi, tên đường này rất phản cảm nên cần phải đặt lại”. 

Một lãnh đạo Sở VH&TT TP HCM cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP, đơn vị này đang làm việc với các bên liên quan để thực hiện. Quan điểm của Sở là sẽ đổi mới và lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học để chọn tên đường cho hợp lý, vừa đạt thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa lịch sử văn hóa.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, nhiều hộ dân ở TP.HCM mong muốn địa chỉ nhà mình mang tên một nhân vật lịch sử, văn hóa… có công với đất nước. Họ không thích tên đường kiểu: Số 1, 2, 3 hoặc Đồng Đen, Lò Lu, Kênh Nước Đen… Những hộ này cũng sẵn sàng tự bỏ tiền để làm lại các thủ tục hành chính, đổi giấy tờ để con đường vào nhà mình mang tên danh nhân văn hóa.

Theo GS. Nguyễn Đăng Hưng (Trường Đại học Liège), Việt Nam không thiếu các danh nhân văn hóa, trí thức, chính trị gia… những người có đóng góp với đất nước. Tuy nhiên, cách đặt tên đường tại TP HCM còn thiếu thống nhất và khá lộn xộn. Nhiều nơi đặt tên đường nhưng không hiểu nhân vật này có ý nghĩa gì với đất nước. Chưa kể có đường ghi sai tên, dù chỉ một cái dấu cũng dẫn đến tình trạng hiểu sai về lịch sử.

Trước “ma trận” tên đường, gây khó khăn cho người dân, mới đây bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở VH&TT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và Trường ĐH KHXH&NV TP HCM hệ thống lại tên biển, đảo, núi, sông, hồ… tiêu biểu của Việt Nam để chọn, bổ sung vào quỹ tên đường. Việc điều chỉnh tên đường không chính xác phải có lộ trình, tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân. Đến tháng 6/2017 phải hoàn thành phần mềm quản lý công tác đặt, đổi tên đường.

Chọn tên người, đặt tên đường phải thận trọng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á cho biết, Chính phủ đã có Nghị định từ năm 2005 về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Theo nghị định này, TP có thể thành lập các ban nghiên cứu, hội đồng phê duyệt, hội đồng phản biện… “Ở Hawaii (Mỹ), nhiều con đường đặt tên người có công từ thuở “khai thiên lập địa”. Tuy nhiên, khi phát triển, hiện đại hóa đô thị, người Mỹ vẫn tôn trọng quá khứ địa phương. Người Mỹ mới tới đây 70 năm, nhưng người địa phương đã ở đây từ vài trăm năm”, ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, theo GS. Nguyễn Đăng Hưng, việc đặt lại tên đường phải thành lập ban và giao cho ban nghiên cứu về lịch sử dân tộc. Ban này đưa ra những tiêu chí cụ thể trước khi đưa ra hội đồng xét duyệt của TP.

Còn PGS. Phạm Tất Thắng, Giám đốc Học viện KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - người từng được mời làm chủ nhiệm đề tài đặt tên cho đường phố tỉnh Thái Bình cho hay, Chính phủ có những quy định cụ thể về chọn tên đường đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Nguyên tắc chọn tên người để đặt tên đường là nhân vật đó đã mất và phải mất 10 năm sau mới được đặt. Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt có thể đặt tên ngay như tên đường Võ Nguyên Giáp.

“Riêng với việc đặt tên đường là hoa, hay loại trái cây… không thể vì yêu thích cá nhân mà đặt. Mà loài hoa đó hay loại quả phải là đặc sản vùng miền, đem lại giá trị hay biểu tượng của khu vực. Khi chọn tên để đặt cho TP Thái Bình, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ, phải qua nhiều hội đồng thẩm định và phản biện qua lại rồi mới chọn tên người đặt tên đường”, ông Thắng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.