Hạ tầng

TP.HCM: Xử phạt hàng loạt nhà thầu đào đường ẩu

07/04/2016, 06:33

Người dân TP.HCM thời gian qua liên tục than phiền hàng loạt nhà thầu, đơn vị thi công các công trình giao thông...

4

Lô cốt chiếm 2/3 đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) đã nhiều tháng nay khiến người đi đường rất bức xúc (Chụp sáng 6/4) - Ảnh: Mai Huyên

Tái phạm tràn lan

Đầu tháng 4, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát tại nhiều công trình trên địa bàn thành phố. Điểm chung của những công trình này là dù đã thi công xong, nhưng nhà thầu không trả lại mặt đường nguyên trạng.

Trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), Công ty TNHH Xây dựng Lộc An Khang đào đường cải tạo mạng lưới cấp nước tái lập rất sơ sài, nhiều đoạn đường bị lõm xuống, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Tương tự, trên các tuyến đường Hưng Long, Đào Duy Từ (quận 10), Công ty TNHH Đan Vĩ đã hoàn thành thi công thay mới hệ thông ống cấp nước nhưng đường bị nham nhở, vương vãi vật liệu. Các công trình ngầm hóa lưới điện, ngầm hóa mạng lưới cáp quang trên đường Trần Phú (đoạn từ ngã sáu Cộng Hòa đến Trần Hưng Đạo, quận 5); Đường Lê Trọng Tấn (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), đơn vị thi công không phục hồi mặt đường theo đúng quy định…

Chỉ trong 2 tuần (từ ngày 4 - 18/3), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thi công công trình phát triển mạng lưới ống phân phối nước sạch tại huyện Củ Chi đã bị lực lượng TTGT lập tới 3 biên bản vi phạm lỗi không hoàn trả phần đường nguyên trạng sau khi thi công xong. Năm 2015, nhà thầu này cũng từng bị cơ quan chức năng xử phạt hàng chục lần khi thi công các công trình trên địa bàn TP HCM. Ngoài ra, còn có các đơn vị cũng vi phạm nhiều là: Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty CP Phú An Gia, Công ty TNHH Lộc An Khang, Công ty Vạn Phúc Hưng, Công ty TNHH MTV Xây dựng Trọng Nghĩa, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn…

Sáng 5/4, PV ghi nhận tại công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) nhiều lô cốt chiếm 2/3 phần đường. Vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông qua lại khu vực này rất khó khăn. Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM; Tư vấn giám sát là Tổng công ty TVXD Thủy lợi Việt Nam - CTCP; Đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng dầu khí IDICO và Công ty TNHH Liên danh xây dựng VC. Công trình khởi công từ ngày 20/10/2014, thời gian hoàn thành là 435 ngày, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang. Một cán bộ TTGT cho biết, đã nhiều lần xử phạt nhưng đơn vị này vẫn chưa chuyển biến.

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh TTGT (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, trong quý I, lực lượng TTGT đã lập nhiều tổ công tác tiến hành kiểm tra, xử phạt các nhà thầu, đơn vị thi công vi phạm về đào đường, tái lập mặt đường. Cụ thể, từ ngày 1/1 - 1/4, TTGT đã xử phạt 335 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt lên tới hơn 2,2 tỷ đồng. Trong số này có 151 vụ không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi đã thi công xong; 50 vụ thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không có giấy phép thi công hoặc giấy phép đã hết hạn; 42 vụ để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công gây cản trở giao thông; 43 vụ thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc biển báo không ghi đầy đủ…

Theo tìm hiểu của PV, chỉ hai tuần qua, TTGT đã lập biên bản 41 trường hợp vi phạm hành chính (đối với 43 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt là 239 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng kiểm tra, nhắc nhở 44 trường hợp khác.

Kiến nghị bổ sung chế tài

“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về thi công. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu “phớt lờ” và cố tình tái phạm nhiều lần”, ông Hận bức xúc.

Trước tình hình này, TTGT đã có văn bản trình Sở GTVT quy định chế tài bổ sung đối với công tác thi công đào và tái lập mặt đường ngoài các quy định của Nghị định 171/2013 và Nghị định 121/2013 của Chính phủ. TTGT cũng đề nghị các chủ đầu tư siết chặt hơn việc cấp phép và gia hạn giấy phép thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

“Chúng tôi đề xuất nếu tiếp tục vi phạm từ 3 lần trở lên, các chủ đầu tư sẽ bị từ chối có thời hạn (từ 1 - 2 năm) không cho tham gia đấu thầu. Ngoài ra, các nhà thầu, đơn vị thi công không được cấp phép hoặc gia hạn cấp phép nếu chưa chấp hành các quy định xử phạt hành chính. Đối với tư vấn giám sát, nếu vắng mặt 3 lần khi lực lượng chức năng lập biên bản nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư thay tư vấn giám sát khác hoặc hủy bỏ hợp đồng đã ký… Các cán bộ, công chức tham mưu và thực hiện cấp phép, gia hạn giấy phép cũng phải bị xử nghiêm, nặng thì chuyển công an điều tra, xử lý”, ông Hận đề xuất.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, những kiến nghị trên của TTGT là hợp lý. Hiện nay, Sở GTVT thành phố đã tiếp nhận và đang tham khảo góp ý của các sở, ngành liên quan, các quận, huyện cùng một số doanh nghiệp lớn để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo. Trong quý II, Sở sẽ có văn bản chính thức trình lên UBND thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.