Rốn ngập đã thoát cảnh ngập
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày giữa tháng 9/2024, đường Mễ Cốc được thảm nhựa êm thuận, không còn chỉ dấu nào của tình trạng ngập úng như trước nữa. Cách đây hơn 10 năm, khu vực này được xem là rốn ngập của thành phố.
Hệ thống bờ kè ngăn triều được xây dựng kiên cố, giúp người dân khu vực đường Mễ Cốc (phường 15, quận 8) chấm dứt tình trạng ngập úng.
Ông Lê Văn Học (66 tuổi, ngụ hẻm 129 Mễ Cốc) kể, gia đình ông sống tại đây từ năm 1985, bắt đầu đối mặt với cảnh ngập nước từ năm 1997. Ban đầu, nước chỉ xâm xấp nền nhà, càng về sau càng ngập cao hơn. Nếu không phải mùa mưa, trung bình mỗi tháng sẽ có hai đợt ngập do triều, mỗi đợt kéo dài vài ngày.
"Nước ngập tràn vào cả phường, có khi cao tới bụng người lớn. Khổ nhất là học sinh, sáng đi chiều về luôn trong tình trạng ướt sũng, nhem nhuốc. "Cuộc sống ở nơi rốn ngập như cơn ác mộng. Rác rưởi, chuột chết trôi lềnh bềnh, ai cũng bị bệnh da liễu", ông Học nhớ lại.
Tương tự, bà Nga (49 tuổi) cũng lắc đầu ngán ngẩm khi nhớ lại. Theo bà, dù sống chung với ngập mười mấy năm quá khổ sở, nhưng cũng không thể chuyển đi nơi khác vì không có tiền.
"Kênh Tàu Hủ, Lò Gốm hồi trước ô nhiễm, rác nổi lềnh bềnh, nước đen ngòm, như dòng kênh "chết". Ngán nhất là mỗi khi thuỷ triều lên gây ngập, nước từ kênh tràn vào nhà", bà Nga nói.
Hồ điều tiết lưu trữ nước khi mưa lớn tại phường 15, quận 8, TP.HCM.
Ông Lê Thanh Khải, Chủ tịch UBND phường 7, quận 8 cho biết, hiện tình trạng ngập đã giảm sau khi hệ thống ngăn triều hoàn thiện. Đặc biệt tại phường 15 (nơi ông Khải làm chủ tịch UBND phường cách đây 6 tháng), tình trạng ngập đã được xử lý dứt điểm. Khi mưa lớn, trạm bơm trên khu vực sẽ hoạt động, đưa nước vào hồ điều tiết.
Tìm hiểu của PV tại một số khu vực gần kênh rạch, thường xuyên bị ngập nước ở quận 4, 5, 6, 10… rất nhiều người dân phấn khởi vì hệ thống kè được xây dựng kiên cố; hệ thống thu gom nước thải, thoát nước mưa, trạm bơm được nâng cấp nên tình trạng ngập nước đã được cải thiện rõ rệt.
Khi hệ thống nước thải từ các nhà dân được thu gom bằng đường ống riêng để đưa về nhà máy xử lý, nước trên các kênh Tàu Hủ, Lò Gốm cũng bớt đen, bớt hôi hơn.
Hoàn thiện hệ thống thoát nước vùng trũng
Trước đây, các quận thuộc lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ như 4, 5, 6, 7, 8 thường chịu cảnh ngập nặng mỗi khi có triều cường. Đặc biệt, các tuyến đường ven kênh như Mễ Cốc, Phạm Thế Hiển, Phú Định hễ cứ mưa lớn hoặc triều cường là chìm trong biển nước.
Dự án cải thiện môi trường nước giúp khu vực rộng lớn tại TP.HCM giảm ngập úng, bớt ô nhiễm.
Khi dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2015, tình trạng ngập đã bắt đầu được cải thiện. Tổng kinh phí dự án lên đến 11.300 tỷ đồng. Nhưng giai đoạn 1 chỉ mới giải quyết được ngập, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa xử lý triệt để.
Giai đoạn 2 của dự án tiếp tục làm hệ thống cống thu gom nước thải sinh hoạt với diện tích 2.530ha trên địa bàn 7 quận 4, 5, 6,7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, dân số khoảng 1,8 triệu người. Đồng thời, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý các công trình giao thông TP.HCM cho biết, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của cả hai giai đoạn.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đưa vào hoạt động giúp cải thiện môi trường nước tại 8 quận huyện.
Để thu gom, chống ngập hiệu quả, dự án đã xây dựng 6km cống tròn, 12km cống hộp, 34km cống bao thu gom nước thải.
Với việc đưa vào sử dụng nhà máy thu gom, xử lý nước thải Bình Hưng vào cuối tháng 8, công suất trạm bơm xử lý nước thải được nâng từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày. Đây là nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất cả nước hiện nay.
Khi đưa vào vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt ở khu vực trung tâm thành phố với tổng diện tích 3.000ha (khoảng 3,4 triệu dân) sẽ được thu gom đưa về xử lý tại nhà máy, không xả trực tiếp ra kênh. Qua đó, ô nhiễm của dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ được xử lý dứt điểm, màu xanh trên tuyến kênh này sẽ từng bước được khôi phục.
Theo ông Lương Minh Phúc, Ban quản lý các dự án giao thông TP.HCM đang thực hiện giai đoạn 3 dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Ở giai đoạn này, dự án có lưu vực phục vụ với diện tích khoảng 1.600ha thuộc địa bàn các quận 7, 8, huyện Nhà Bè, dân số khoảng 900.000 người.
Mục tiêu dự án là nước thải sinh hoạt của toàn bộ lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường, các tuyến kênh này cũng sẽ được kè bờ, nạo vét, chỉnh trang.
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn ba khoảng 9.863 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA từ JICA là 8.509 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng khoảng 1.354 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2030.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận