Tàu cao tốc Côn Minh - Khúc Tĩnh Bắc |
Cùng được người Pháp khởi công xây dựng cách đây hơn 100 năm nhưng đường sắt Vân Nam (Trung Quốc) đã có những bước nhảy vọt về công nghệ, trong khi đường sắt Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng bước chuyển mình, theo kịp sự phát triển của đường sắt hiện đại.
Tàu cao tốc 300km/h, cầu treo đường sắt dài nhất thế giới
Có mặt tại Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) những ngày giữa tháng 12/2017, PV Báo Giao thông đã được “mục sở thị” các đoàn tàu khách, nhà ga trên các tuyến đường sắt thuộc tỉnh Vân Nam.
Qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu, chúng tôi lên chuyến tàu xuất phát từ ga Hà Khẩu Bắc đi Côn Minh. Theo giới thiệu của Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục Côn Minh Đường sắt Trung Quốc, đây là chuyến tàu khách thường, hành trình chỉ khoảng 6 giờ trên chặng đường hơn 500km. Đáng nói là, dù chạy trên địa hình núi cao nhưng tàu trên tuyến có thể đạt đến tốc độ 100-120km/h. Tàu chạy êm, không xóc, lắc. Đặc biệt, tuyến đường sắt đi xuyên qua nhiều hầm, không phải đi ven núi với nhiều đường cong như tuyến Hà Nội - Lào Cai của Việt Nam, cũng không phải lo về an toàn vì hai bên đều được rào kín, tránh phương tiện, trâu bò qua lại.
Ông Hoàng Quốc Dũng, Trưởng ban Hợp tác đối ngoại Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục Côn Minh Đường sắt Trung Quốc cho biết, các tuyến đường sắt từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) nối với đường sắt các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây và Lào Cai (Việt Nam). Trong địa bàn tỉnh Vân Nam, nhất là từ Côn Minh đi, có nhiều tuyến đường sắt có thể chạy tàu đạt tốc độ 200km/h, ngoài ra là tuyến cao tốc đi Trường Sa Nam, Bắc Kinh… |
Có mặt tại ga Côn Minh Nam và khảo sát tàu cao tốc Côn Minh Nam - Trường Sa Nam tốc độ 300km/h, chúng tôi lại càng “choáng ngợp” hơn nữa khi chứng kiến nhà ga rộng hàng trăm nghìn m2 được xây dựng với công nghệ hiện đại. Hàng ngày, tại đây có gần 100 đôi tàu cao tốc và tàu EMU (tốc độ khoảng 250km/h) đi các tuyến: Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh…
Ông Hoàng Quốc Dũng, Trưởng ban Hợp tác đối ngoại Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục Côn Minh Đường sắt Trung Quốc cho biết, các tuyến đường sắt từ Côn Minh nối với đường sắt các tỉnh: Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây và Lào Cai (Việt Nam). Trên địa bàn tỉnh Vân Nam, nhất là từ Côn Minh đi, có nhiều tuyến đường sắt có thể chạy tàu đạt tốc độ 200km/h, ngoài ra là tuyến cao tốc đi Trường Sa Nam, Bắc Kinh…
Đến cuối năm 2016, Cục Côn Minh quản lý 6.280km, trong đó 2.651km chạy bằng điện, chiếm 71,47%. Có 272 toa xe khách chạy cao tốc. Cũng trong năm 2016, sau khi xây dựng xong Cục Côn Minh đã đưa vào khai thác 797,5km đường sắt khổ 1.435mm, chiếm tỷ trọng 1,4% tổng số km đường sắt đưa vào khai thác cùng năm trên toàn Trung Quốc.
Hiện, Cục Côn Minh đang quản lý dự án xây dựng tuyến đường sắt Lệ Giang - Shangrila, tổng mức đầu tư lên đến 10,319 tỷ NDT (tương đương hơn 36 nghìn tỷ đồng), dự kiến hoàn thành năm 2020. Ông Trương Văn Đường, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy đường sắt Tây Vân Nam cho biết, tuyến đường dài 139,7km, chạy bằng điện, đường đơn khổ 1.435mm. Tuyến đường này được xây dựng trên độ cao 2.400m so với mặt nước biển, xuyên qua núi tuyết, sông suối, vì thế chủ yếu đi trong hầm (20 hầm, chiếm 66,27% chiều dài toàn tuyến) và qua cầu cống (34 cầu). Trong đó, có hầm xuyên núi dài hơn 14,7km. Đặc biệt, tuyến đường sẽ đi qua cầu treo đường sắt dài 660m bắc qua sông Kim Sa nối Lệ Giang với Shangrila. Đây là cây cầu treo đường sắt dài nhất thế giới. Cầu cao 250m so với mặt nước sông, đòi hỏi cao về công nghệ và kĩ thuật xây dựng.
Tác giả trên tàu cao tốc Côn Minh - Khúc Tĩnh Bắc |
Chất lượng dịch vụ hàng đầu
Trên chuyến tàu nhanh từ Lệ Giang về Côn Minh hành trình dài khoảng 600km, nữ trưởng tàu xinh đẹp, duyên dáng Liêu Văn Tĩnh nhiệt tình dẫn chúng tôi đi dọc đoàn tàu. Toàn bộ toa xe trên tàu đều là những toa xe cũ song vẫn rất rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi, vừa có máy lạnh, vừa có máy sưởi và hệ thống vệ sinh tự hoại không gây mùi hôi.
Trên tàu có hai toa khoang VIP trên tầng 2, mỗi khoang gồm một giường đôi và một giường tầng, đầy đủ nước uống, bàn… Dọc hành lang và lối đi trong các khoang ngủ đều được trải thảm len. Thành toa xe phía hành lang lắp các ghế đệm gấp để phục vụ hành khách ngồi ngắm cảnh qua cửa sổ tàu. Toa cung ứng có cả quầy bar, tủ kính lạnh bày bán bánh ngọt… Điều dễ nhận thấy là tiếp viên các toa xe đều cao ráo, xinh đẹp và luôn thường trực để hướng dẫn khi khách cần.
Tàu nhanh đã thế, tàu cao tốc còn tuyệt vời hơn nhiều. Tổ trưởng Tổ Phục vụ tàu cao tốc Côn Minh Nam - Trường Sa Nam (hành trình dài 1.169km) cho biết, giá vé khoang VIP (hạng C) là 1.537,5 NDT (khoảng 5,3 triệu đồng), hạng 1 là 879,5 NDT (hơn 3 triệu đồng) và hạng 2 là 498,5 NDT (khoảng 1,4 triệu đồng). Tàu cao tốc Côn Minh Nam - Bắc Kinh Tây hành trình 2.760km, giá vé hạng C là 2.625 NDT (9,2 triệu đồng), giá vé hạng 1 là 1.879,5 NDT (hơn 6,5 triệu đồng), hạng 2 là 1.149,5 NDT (khoảng 4 triệu đồng). Giá vé tương đương máy bay nhưng tỷ lệ đi, đến đúng giờ cao hơn nên được nhiều hành khách lựa chọn.
Hành khách lên tàu sẽ được phục vụ nước uống tùy chọn cà phê, trà hay nước ấm. Tuy nhiên, khách hạng C và hạng 1 sẽ được phục vụ thêm gói thức ăn nhẹ (snack) bao gồm nhiều loại bánh, nho khô, kẹo, sôcôla… Tiếp viên chỉ có 2 người, mỗi tiếp viên phụ trách 4 toa, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, thắc mắc của hành khách.
Trông người lại ngẫm đến ta
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng quả thật “trông người lại ngẫm đến ta”, biết đến bao giờ đường sắt Việt Nam mới được như vậy.
Cùng là tàu nhanh, trong khi tàu bạn đã đạt tốc độ 100-120km/h đường núi thì ngay cả với tàu “5 sao” mà giới truyền thông ưu ái đặt tên hiện nay cũng chỉ đạt tốc độ thực tế cao nhất 80-90km/h. Tàu đẹp, hiện đại, thiết kế module, vật liệu nhẹ chống ồn cao nhưng độ xóc, lắc vẫn còn lớn.
Lý giải về điều này, một chuyên gia toa xe đường sắt Việt Nam trong đoàn cho biết, nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng hạ tầng của ta đã quá xuống cấp, không được đầu tư. Trong khi đường sắt Trung Quốc đã “phủ sóng” khổ đường 1.435mm và công nghệ chạy tàu điện khí hóa khắp các mạng lưới, thì đường sắt Việt Nam vẫn là đường đơn khổ 1.000mm như thời Pháp thuộc, nhiều đường cong, cầu đường xuống cấp, không đồng nhất tải trọng…
“Hạ tầng như miếng áo rách, vá chỗ này lại rách chỗ kia, dù có duy tu tốt đến mấy cũng chỉ được vài bữa, bảo sao tàu không xóc. Chưa kể, toa tàu khổ 1.000mm cũng dễ bị lắc hơn toa tàu khổ rộng”, vị này nói.
Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, hạ tầng xuống cấp, toa xe xuống cấp, ít được đầu tư, nhiều toa xe đã sử dụng đến hàng chục năm dẫn đến chất lượng phục vụ không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách đi tàu.
“Chúng tôi đang cố gắng đổi mới chất lượng dịch vụ, từ thái độ phục vụ của nhân viên, đến đóng mới hàng chục toa xe khách hiện đại nhưng với hạ tầng như hiện nay, tốc độ chạy tàu thấp, hành trình kéo dài nên vẫn không thể cạnh tranh nổi với hàng không giá rẻ và ô tô đường cao tốc”, ông Quốc Anh nói và cho rằng, “nút thắt” quan trọng nhất hiện nay vẫn là hạ tầng cần được Nhà nước đầu tư để đường sắt Việt Nam có thể từng bước chuyển mình, theo kịp thời đại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận