Tàu buýt lúc nào cũng full chỗ
Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có mặt tại bến Bạch Đằng (Quận 1, TP.HCM) để chuẩn bị đi chuyến buýt sông xuất phát lúc 18h về bến An Bình (Quận 2). Thời điểm này hành khách đã đông nghẹt trước phòng vé.
Những tia nắng cuối chiều càng tô điểm thêm vẻ đẹp thoáng đãng, trong lành của một vùng sông nước ngay giữa lòng thành phố. Rất nhiều bạn trẻ, cả khách nước ngoài cùng nhau chụp ảnh, selfie trong cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, trên bến dưới thuyền.
Tàu buýt thường xuyên kín chỗ vào những ngày cuối tuần
Đúng 18h, còi tàu hú ba lần rồi nhổ neo nhằm hướng quận 2 thẳng tiến. Tàu buýt có sức chứa 75 người “full” chỗ, thế nhưng hành khách ai cũng tỏ vẻ rất thoải mái, dễ chịu bởi không gian con tàu khá rộng.
Dù ở vị trí nào, hành khách đều có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn lấp lánh dưới ánh chiều vì xung quanh thân tàu là cửa kính. Từng cơn gió mát rượi lùa vào khoang tàu khiến nhiều người reo hò thích thú.
Sau khoảng 15 phút hành trình, tàu buýt dừng ở bến An Bình, hành khách rời tàu lên trạm dừng chân (trong khoảng 10 phút). Tại đây, có phục vụ nhiều loại đồ uống, thức ăn nhanh để du khách lựa chọn.
Chị Nguyễn Lan Anh (35 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 3) cho biết, thỉnh thoảng, vào các ngày cuối tuần, gia đình chị lại đi buýt sông để ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành.
“Hôm nay chủ nhật, hai cháu nhỏ đi học thêm nên chỉ có hai vợ chồng đi tàu buýt”, chị Lan Anh nói và cho biết thêm, gia đình chị thường đi mỗi tuần một chuyến vào các khung giờ khác nhau để làm mới các tour.
Dù ở tận Dĩ An, Bình Dương, anh Trần Văn Thuận (33 tuổi) vẫn đưa vợ và hai con gái nhỏ lên TP.HCM để đi tàu buýt. Giá vé chỉ 15 nghìn đồng/người nhưng được đi tàu ngắm cảnh sông nước khiến anh Thuận rất hài lòng.
“Hai vợ chồng đều làm công nhân nên thu nhập thấp, chi tiêu eo hẹp, may nhờ có buýt sông, giá vé rẻ mà cả nhà, đặc biệt là các cháu được trải nghiệm cảnh sông nước an toàn và thú vị”, anh Thuận chia sẻ.
Thuyền trưởng Hoàng Văn Dương cho biết, anh nhận ca từ 16h - 18h, giờ đã chạy tổng số 12 “cuốc” đi các tuyến, chuyến nào tàu cũng đông kín khách.
Mong mở thêm nhiều tuyến mới
Tàu buýt chạy tuyến bến Bạch Đằng - An Bình
Trên chuyến tàu buýt từ bến Bạch Đằng đi An Bình, đôi bạn trẻ Nam Anh và Hồng Ngọc (sinh viên năm 3 trường Đại học Công nghệ Hutech) gần như chỉ đứng sau khoang tàu để tranh thủ khoảng không gian rộng, ngắm cảnh và chụp hình giúp nhau.
Nam Anh cho biết, cuối tuần hai bạn thường đi buýt sông để đến bến An Bình hoặc Linh Đông (nơi không gian đẹp, yên tĩnh). Có hôm các bạn mua một lượt vé đi, sau khi vui chơi thỏa thích thì mua vé về nhưng cũng có những hôm mua nhiều lượt vé để có thời gian lênh đênh trên sông nước nhiều hơn.
Chị Nguyễn Lan Anh vui vì nhờ có buýt sông mà người dân được trải nghiệm tour du lịch giá rẻ nhưng tiếc vì tàu buýt hiện mới chỉ đến được một số địa danh. “Trong tất cả các bến hiện có thì chỉ lịch trình Bạch Đằng - An Bình là tương đối thoải mái, còn lại, những bến khác chỉ có vài ba chuyến trong ngày.
Thành phố có hệ thống sông rạch rộng lớn và dày đặc nên nếu tàu buýt đi được nhiều quận, huyện thì quá hay. Khi có lịch trình phù hợp, nhiều người sẽ chọn phương tiện này để đi làm thay vì chỉ đi chơi, khi đó giao thông bộ cũng được giảm tải…”, chị Lan Anh bày tỏ.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông) cho biết, loại hình giao thông công cộng bằng đường thủy đã hình thành và phát triển khá lâu ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là mô hình rất mới.
Từ năm 2017, công ty đưa vào khai thác và phát triển tốt, tỷ lệ lấp đầy luôn từ 90% - 100%. Hiện, mỗi ngày 4 chiếc tàu buýt sông (75 chỗ ngồi) đang chạy khoảng 50 lượt, trung bình trên 2.000 lượt khách.
“Thiên nhiên ban tặng cho TP.HCM dòng sông rất xinh đẹp. Tôi rất vui vì đưa được chương trình du lịch sông nước giá rẻ mà bất cứ ai cũng có thể đi lại, trải nghiệm, trong khi chi phí giao thông thủy rất là đắt đỏ...”, ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM là thúc đẩy phát triển du lịch đường sông trở thành mũi nhọn. Đến nay, dự án buýt đường sông mới chỉ làm giai đoạn 1, với 5 bến thủy được đưa vào khai thác. Giai đoạn 2 sẽ triển khai thực hiện 15 bến, để buýt sông đi đến tất cả các quận, huyện. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn đang chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chờ quy hoạch…
Đến thời điểm này, buýt sông Sài Gòn có 5 tuyến bến gồm: Bạch Đằng (quận 1), Bình An (quận 2), Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Linh Đông (TP Thủ Đức) và một bến ở huyện Bình Chánh. Tất cả các tuyến đều có giá vé đồng hạng 15 nghìn đồng/vé và hành khách có thể mua vé để xuất phát ở bất kỳ bến hiện hữu nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận