Tiền "đổ" về trái phiếu ngân hàng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua một năm 2023 với nhiều thử thách, có thời điểm gần như đóng băng.
Bước vào giai đoạn cuối 2023 đến quý I/2024, có thể nhận thấy dòng tiền đang đổ lại vào kênh trái phiếu với nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu.
Trong thời điểm này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) chính là nhà băng huy động vốn qua trái phiếu nhiều nhất với hơn 6.700 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của LPBank đều có kỳ hạn ngắn từ 2-3 năm, lãi suất trung bình 5,2-6%.
Xếp sau LPBank là SHB với mức huy động vốn 2.448 tỷ đồng, Nam A Bank thu được 1.500 tỷ đồng, BIDV hơn 1.230 tỷ đồng…
Phần lớn các ngân hàng phát hành trái phiếu đều cho biết, để giải quyết việc đáp ứng thanh khoản. Ngoài ra, trái phiếu vẫn luôn là nguồn vốn trung và dài hạn hỗ trợ nhóm ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.
Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh 2024, bên cạnh kênh trái phiếu, nhiều ngân hàng cũng có động thái huy động thêm vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đó, trong quý I/2024, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã được chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 11.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, LPBank cũng được chấp thuận tăng vốn lên hơn 25.576 tỷ đồng, PGBank lên 5.000 tỷ đồng, VietBank thêm 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo kế hoạch được phê duyệt vào năm 2023, một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, bao gồm: Vietcombank có kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; BIDV với kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 9% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; MBB cũng tiếp tục tiến hành kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (1,3% số cổ phiếu trước thực hiện) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Động lực trái phiếu từ khối ngân hàng
Dù đã qua thời điểm khó khăn nhất, song thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Năm nay là đỉnh đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng kỷ lục.
Không chỉ vậy, đây cũng là năm các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08).
Lượng TPDN đáo hạn năm 2024 dự kiến khoảng 380.000 tỷ đồng, trong đó 70% tập trung vào 2 nhóm ngành chính là bất động sản và ngân hàng.
Bất chấp những thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn được dự báo còn nhiều dư địa để phục hồi và bứt phá.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, khiến dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) ngày 27/2, đơn vị kỳ vọng giá trị phát hành trái phiếu sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024 khi thị trường TPDN bước vào chu kỳ phát triển mới.
Công ty dự báo nhu cầu phát hành mới đáng kể từ khối ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp phần lớn giá trị phát hành trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn của mình.
Ngoài ra, ngân hàng hàng năm thường phát hành mới đủ để bù đắp lượng trái phiếu mua lại và đáo hạn trong năm. Do đó, VIS Rating cho rằng trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.
Đồng quan điểm, FiinGroup cũng tin rằng kênh huy động thông qua trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ sôi động hơn năm ngoái.
FiinGroup cho rằng, hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức TPDN trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận