Các chuyên gia về giáo dục, tâm lý trẻ đều cùng chung nhận định “vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang bị coi nhẹ”. |
Tại cuộc tọa đàm mới đây với nội dung “Xâm hại tình dục trẻ em: Cha mẹ nhận định nguy cơ và giải pháp an toàn cho trẻ”, các chuyên gia về giáo dục, tâm lý trẻ đều cùng chung nhận định “vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang bị coi nhẹ”.
Ths. Giáo dục Thành Đoàn cho rằng, nhiều cha mẹ đã sai lầm khi quan niệm chỉ khi trẻ nẩy nở, phát triển mới có khả năng bị xâm hại, nhưng thực tế cho thấy phần lớn trẻ từ 9 tuổi đã bị xâm hại tình dục. Và hậu quả đầu tiên mang đến cho trẻ chính là những sang chấn, khủng hoảng về tâm lý. Và phụ huynh cũng ít quan tâm đến ảnh hưởng lâu dài của khủng hoảng tâm lý với trẻ bị xâm hại… Thực tế, những sang chấn thường ảnh hưởng đến hành vi, quan hệ bạn bè đồng hay khác giới, sau này trẻ lớn còn có ám ảnh, thậm chí đến khi lập gia đình.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Tâm lý học trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam cũng đã mình chứng với 2 trường nạn nhân bị xâm hại tình dục bởi người thân khi còn là trẻ nhỏ mà ông từng tiếp xúc. Đó là một cô gái 21 tuổi đã từng bị chính ông ngoại lạm dụng tình dục từ năm 9-12 tuổi. Đến năm 12 tuổi, nạn nhân này nói với mẹ và bố về việc mình bị lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, chỉ có bố nạn nhân tin việc đó và tố cáo. Sau đó không lâu, ông ngoại nạn nhân qua đời và cũng từ đó, người mẹ luôn đổ lỗi cho con gái là người đã gây ra cái chết của ông ngoại. Nỗi dằn vặt cứ đeo bám, cùng sự ám ảnh của quá khứ bị lạm dụng khiến nạn nhân này mỗi khi gặp bạn trai đều hình dung ra ánh mắt của ông ngoại. Cuối cùng nạn nhân lựa chọn việc kết đôi với một người đồng tính nhưng lại tiếp tục rơi vào “bẫy” lạm dụng tình dục. “Điều đáng nói, trên hai cánh tay của nạn nhân chi chít các vết rạch, điều này cho thấy cô bé bị tổn thương trầm trọng cả về tinh thần và thể chất”, TS. Trần Thành Nam cho hay.
Trao đổi về thực trạng lạm dục tình dục trẻ em, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em cho hay, nguyên nhân từ lỗ hổng trong ngăn ngừa, phòng chống. Lỗ hổng đầu tiên chính là kiến thức của cha mẹ, bản thân cha mẹ không nhận thức được các nguy cơ xâm hại cao đối với con mình. Ngay bản thân trẻ em chưa được trang bị kiến thức để tự phòng vệ, bảo vệ bản thân. Lỗ hổng thứ hai là các văn bản pháp luật, ngay trong Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng chưa không quy định các hành vi như nhìn, vuốt ve, ôm ấp là hành vi xâm hại tình dục.
Bên cạnh những kiến nghị về việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định chi tiết trong luật hướng tới bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, các chuyên gia về lĩnh vực này đều cho rằng điều quan trọng nhất trẻ cần được sự quan tâm sát sao từ chính cha mẹ. “Cha mẹ phải gần gũi theo dõi các con vì nguy cơ rình rập trẻ ở khắp nơi, cả ngoài đời và ngay trên mạng ảo và rất nhiều trường hợp trẻ giấu diếm, không thổ lộ, do vậy các bậc phụ huynh phải luôn là người đồng hành với các con”, ông Thành Đoàn nhấn mạnh.
Theo số liệu do Bộ LĐ-TB&XH trong năm năm (2011-2015) cả nước phát hiện 8.220 vụ xâm hại trẻ em. Theo đánh giá, hầu hết nghi can phạm tội xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi với nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận