Nhiều trạm cân tải trọng xe thời gian qua tuy "kiểm tra nhiều, nhưng phát hiện chẳng bao nhiêu" |
Tỉnh ủy chỉ đạo sẽ hiệu quả hơn
Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, trong quý I/2015 Thanh Hóa đã tiến thêm được một bước trong công tác kiểm soát tải trọng xe so với cuối năm 2014, là tiền đề để 2015 chấm dứt tình trạng xe quá tải ở địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng cần tham khảo cách mà một số các địa phương khác như Hà Nam, Hà Tĩnh, Ninh Bình… để đạt hiệu quả hơn.
Đó là Tỉnh ủy có chỉ thị về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, có sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy để yêu cầu cả hệ thống chính trị tại địa phương vào cuộc, như vậy sẽ hiệu quả hơn so với chỉ có kế hoạch của UBND tỉnh.
Và sau khi có chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch triển, mà trước khi xây dựng kế hoạch dành 1 tuần để đánh giá tình hình từng địa bàn để đưa ra giải pháp phù hợp, trong đó phân công thật cụ thể của từng ngành, địa phương, có cả sự tham gia của Cục Quản lý đường bộ trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN.
Theo kinh nghiệm từ tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh triệu tập họp với thành phần có Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc và Chánh Thanh tra Sở GTVT, Bí thư và Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc đơn vị đăng kiểm để giao nhiệm vụ. Địa phương thành lập Tổ liên ngành kiểm soát đặc biệt và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh ra đường cùng đoàn kiểm tra để chỉ đạo, nắm tình hình. Kết quả, hơn 400 trường hợp vi phạm về quá tải, cơi nới thùng xe, quá hạn đăng kiểm… bị xử lý nghiêm, trong đó gần 150 chủ xe bị cưỡng chế hoặc tự giác dỡ bỏ phần thùng xe cơi nới để chở quá tải.
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nêu kinh nghiệm của Hà Tĩnh là ở các mỏ đá, nguyên vật liệu đều lắp cân điện tử và áp dụng phạt qua hóa đơn đối với xe chở quá tải.
Để quá tải, phạt cả “3 nhà”
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nêu kinh nghiệm thực hiện ở một số tỉnh là lập tổ liên ngành làm việc 24/24h và phát hiện xe cơi nới thùng trên đường là cắt bỏ phần cơi nới và vào tận nhà chủ xe, doanh nghiệp để xử lý (vì doanh nghiệp đã cam kết).
Biện pháp trên là cần thiết bởi theo ông Huyện: “Đa số trạm cân tải trọng xe hoạt động kém hiệu quả. TTGT, CSGT chỉ cần nhìn qua là biết ngay xe có chở quá tải hay không, thế nhưng tỷ lệ kiểm tra vi phạm chỉ 10-15% (trên tỷ lệ kiểm tra) nên nhân dân không tin. Cần phải nâng tỷ lệ phát hiện vi phạm lên 60-70%, vì trên mạng chúng tôi biết xe chạy lúc nào”.
Giải pháp để nâng hiệu quả trạm cân, theo ông Huyện, tỉnh cần cho lắp camera giám sát ở trạm cân (như Hải Dương, Nghệ An) để biết ngay lực lượng ở trạm cân có làm hay không làm. Điều này cũng giúp “minh oan” cho lực lượng công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng xe. Ông Huyện cũng nêu giải pháp là thông qua hóa đơn vận tải để “phạt 3 nhà”: lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải và chủ nguồn hàng, nếu xảy ra vi phạm quá tải:
Người đứng đầu Tổng cục Đường bộ VN cho biết thêm, Tổng cục đã có văn bản yêu cầu các Ban quản lý dự án áp dụng chế tài đối với nhà thầu thi công dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ, nếu vi phạm quá tải lần thứ 2 sẽ bị trượt thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận