Báo Giao thông vừa đăng bài "Chạy đua đổi luồng tuyến sang cao tốc", phản ánh việc từ khi nhiều tuyến cao tốc đưa vào khai thác, các doanh nghiệp vận tải hành khách đã thay đổi luồng tuyến.
Nhờ rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, an toàn hơn khi chạy trên quốc lộ, nhiều nhà xe đang xếp hàng đăng ký lộ trình đi cao tốc để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, đại diện nhiều nhà xe cho biết, khi đi vào cao tốc, nhà xe khó trả hoặc đón khách giữa tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu của hành khách.
Cần có các tuyến đường kết nối
Thực tế cũng cho thấy, do việc đón trả khách không giống như trên quốc lộ nên không ít nhà xe bất chấp quy định và vi phạm, nguy cơ mất ATGT rất lớn. Tình trạng người dân xé rào, leo bộ lên cao tốc để đón xe diễn ra phổ biến.
Từ thực trạng trên, một số ý kiến đề xuất các điểm dừng nghỉ nên được quy hoạch thành điểm trung chuyển khách. Ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn Minh (chuyên tuyến Nghệ An – Hà Nội) cho rằng, việc này vừa góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa hạn chế được tình trạng nhà xe, hành khách vi phạm giao thông.
Đại diện đơn vị đầu tư trạm dừng nghỉ nút giao IC11 (Km98 cao tốc Nội Bài – Lào Cai) cho biết, sẵn sàng tham gia nếu có thể quy hoạch trạm dừng nghỉ trở thành điểm trung chuyển hành khách.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khi quy hoạch xây dựng trạm dừng nghỉ, cơ quan quản lý đã lựa chọn vị trí có tính kết nối hợp lý. Do đó, quy hoạch trạm dừng nghỉ thành điểm trung chuyển hành khách có thể phù hợp.
Cũng ủng hộ đề xuất trên, song ông Nguyễn Văn Thành, đại diện trạm dừng nghỉ Châu Thành (cao tốc TP.HCM – Trung Lương) cũng bày tỏ băn khoăn: "Nếu quy hoạch trạm dừng nghỉ thành trạm trung chuyển thì cần có nhiều tuyến đường tiếp cận và việc khảo sát phải rất kỹ, bởi chi phí không nhỏ. Nếu nhu cầu đi lại của người dân khu vực đó chưa cao thì chưa cần thiết".
Tương tự, ông Lý Tấn Minh, Giám đốc điều hành nhà xe Anh Khôi (chạy tuyến Phan Rang – TP.HCM) cũng cho rằng: "Việc này triển khai cũng rất khó, vì cần có đường kết nối ra quốc lộ 1 hoặc các khu dân cư để hành khách khi xuống có thể đón xe về nhà thuận lợi".
Chưa có quy định cho phép thực hiện
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, ngày 31/8/2023, Bộ GTVT có công văn đồng ý với đề xuất cho phép xe tuyến cố định được hoạt động trên đường cao tốc mới đưa vào khai thác.
Ngay sau đó, Cục Đường bộ VN đã có công văn gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố để hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thực hiện hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam.
Từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024, Cục Đường bộ VN đã tổng hợp kiến nghị đề xuất điều chỉnh, sửa đổi hành trình sang đường cao tốc của các sở GTVT tại 11 văn bản và báo cáo Bộ GTVT.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã ban hành 5 văn bản với khoảng 750 tuyến điều chỉnh hành trình, bổ sung hành trình đường cao tốc.
Về kiến nghị quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc thành điểm trung chuyển hành khách của các doanh nghiệp vận tải, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết, hiện chưa có quy định nào cho phép thực hiện việc này.
"Trạm dừng nghỉ là một bộ phận của công trình đường cao tốc, được đầu tư đồng thời với dự án xây dựng đường cao tốc. Trạm dừng nghỉ chỉ phục vụ người tham gia giao thông và các phương tiện được phép đi trên cao tốc vào/ra trạm dừng nghỉ", vị này lý giải.
Ông Nguyễn Quốc Ân, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, để khắc phục tình trạng mất ATGT do người dân cố tình đi vào cao tốc bắt xe khách, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, đề nghị Cục đường bộ Việt Nam xây dựng các điểm dừng đỗ phù hợp trên đường cao tốc.
Theo đó, các điểm dừng đỗ này cần được xây dựng tại khu vực gần nút giao, gần khu dân cư và khu công nghiệp để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận