Khu nghỉ chân tại trạm dừng nghỉ Km117 (hướng Hà Nội - Lào Cai) nhếch nhác, rác bẩn đầy trên sàn - Ảnh: K.Linh |
Xe chở đoàn khách du lịch từ Hà Nội lên Lào Cai vừa dừng xuống trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa đầy 5 phút đã thấy hành khách lục tục kéo nhau lên xe, rồi hò lái xe nhanh chóng tiếp tục hành trình.
Hỏi ra, người nào người nấy đều trả lời, chỉ vào trạm dừng nghỉ với mục đích duy nhất là... đi vệ sinh. Chẳng ai muốn nán lại lâu vì không chịu được mùi đặc trưng tỏa ra từ cái nhà vệ sinh công cộng dễ bị bỏ hoang cả tháng chẳng ai dọn dẹp. Không những vậy, khu vực trạm dừng nghỉ dù không gian khá rộng, nhưng sắp xếp lộn xộn chẳng khác bến cóc. Hàng hóa lèo tèo vài thứ trà nước, bánh tráng, đồ ăn uống lặt vặt.
Đáng buồn là thực trạng này diễn ra phổ biến tại hầu hết các trạm dừng nghỉ trên địa bàn cả nước, trong đó có cả các tuyến cao tốc. Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào khai thác hơn 700km đường cao tốc, có nhiều tuyến hiện đại như: Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... Tuy nhiên, hệ thống các trạm dừng nghỉ chưa thực sự được đầu tư, xây dựng tương xứng với quy mô và chất lượng của cao tốc. Thậm chí, một số tuyến đã đưa vào khai thác từ lâu nhưng vẫn chưa xây dựng nổi trạm dừng nghỉ. Còn lại, các tuyến khác đa phần làm theo kiểu đối phó, mỗi nơi một phách hoặc bán cái cho nhiều tầng nấc, nhà đầu tư tự do quản lý.
Điều này thực sự khác xa với các trạm dừng nghỉ ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển như: Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước châu Âu. Trạm dừng nghỉ của họ không đơn thuần là nơi dừng chân mà thực sự là những điểm du lịch mua sắm, một khu vực dịch vụ công cộng, nơi mà lái xe và hành khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống, ngắm cảnh. Nơi đây còn có đầy đủ dịch vụ phụ trợ như: Trạm xăng dầu, trung tâm mua sắm, trò chơi giải trí, nhà hàng ăn nhanh, cà phê, hộp đêm, dịch vụ thương mại, dịch vụ văn phòng, internet. Thậm chí, ở một số nước, trạm dừng nghỉ còn là nơi giao lưu giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế qua giới thiệu và bán sản phẩm. Tại đây, các trạm dừng nghỉ có chức năng cung cấp thông tin về giao thông, du lịch của địa phương.
Sau khoảng chục năm đầu tư, ước mơ về những con đường cao tốc “đại lộ, đại phú” đã thành hiện thực với người Việt. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đang nỗ lực để có khoảng 2.000km đường cao tốc, trong đó có cả tuyến cao tốc Bắc - Nam huyết mạch. Tuy nhiên, việc đầu tư các trạm dừng nghỉ manh mún và còn quá nhiều bất cập không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác mà còn mất đi hình ảnh của chính các tuyến cao tốc đẹp và hiện đại. Đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn đầu tư các trạm dừng nghỉ trên cao tốc để có cơ sở đầu tư và xử nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận