Bất động sản

Trạm phát sóng Tuyên ngôn độc lập bị phá dỡ tanh bành, Hà Nội yêu cầu gì?

18/02/2020, 11:19

TP Hà Nội yêu cầu trả lại nguyên trạng Trạm phát sóng Bạch Mai, nơi phát bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

img
Trạm phát sóng Bạch Mai tại 128C/22 phố Đại La bị phá dỡ

Yêu cầu trả nguyên trạng trước 20/2

Liên quan đến việc một phần Trạm phát sóng Bạch Mai địa chỉ ngách 128C/22 phố Đại La (phường Đại La, quận Hai Bà Trưng) bất ngờ bị phá dỡ ngay trước ngày quyết định lập hồ sơ di tích gây bức xúc cho dư luận, trao đổi với PV sáng 17/2, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện nay UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa khôi phục lại hiện trạng, mái ngói như trước khi đơn vị tiến hành tháo dỡ.

Trong văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng gửi Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ văn hoá, đơn vị quản lý trạm nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng yêu cầu Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa khẩn trương khôi phục nguyên trạng công trình là nhà gạch xây 1 tầng mái ngói tại địa chỉ ngách 128C/22 phố Đại La, phường Đồng Tâm phần nằm ngoài chỉ giới GPMB dự án đường vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - ngã tư Vọng) do đơn vị tự ý phá dỡ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian thực hiện xong trước ngày 20/2.

Phá dỡ trước ngày lập hồ sơ di tích

Trước đó (10/2), UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội chủ trì phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam làm hồ sơ di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đối với ngôi nhà 1 tầng trong cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai. Từ đó để có cơ sở pháp lý thu hồi ngôi nhà này để quy hoạch lại làm lại di tích lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên, ngày 9/2, đơn vị quản lý tòa nhà là Công ty CP Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa tiến hành đập bỏ 1 gian ngôi nhà và tháo dỡ gần hết mái ngói.

Theo ghi nhận của PV, một gian của ngôi nhà Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá sập hoàn toàn, kết cấu ngôi nhà bị phá hủy nghiêm trọng, nhiều đoạn tường gạch bị gãy đổ, bị nứt lớn. Tại hiện trường ngổn ngang gạch ngói vỡ, xi măng vương vãi khắp nơi. Trong 4 gian còn lại của ngôi nhà thì 3 gian bị tháo dỡ mái ngói, các gian nhà khác cũng bị xâm hại một phần.

Sau khi nhận được thông tin, UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm quản lý chặt chẽ mặt bằng, giữ nguyên hiện trạng công trình; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, các công trình liền kề và kịp thời báo cáo UBND quận các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, yêu cầu xử lý các trường hợp cố tình phá dỡ công trình, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính (nếu có).

Ông Đinh Đức Hiếu - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho biết, Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa trước đó đã tự ý phá dỡ một phần ngôi nhà và không hề thông báo cho chính quyền địa phương biết.

Làm việc với cơ quan chức năng, công ty thừa nhận việc làm chưa đúng và cam kết giữ nguyên hiện trạng, dừng hoạt động phá dỡ.

Công trình mang tính lịch sử

Theo tìm hiểu, Ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 128C Đại La, Hà Nội được Pháp xây dựng năm 1912 làm Đài Phát tín Bạch Mai, phục vụ liên lạc giữa chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Paris - Thủ đô nước Pháp. Bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, Trạm phát tín này đưa Việt Nam trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất châu Á với kỹ thuật truyền tín hiện đại từ đầu thể kỷ 20

img
Trạm phát sóng Bạch Mai ngày xưa (sưu tầm)

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được chính quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai). Tại đây, vào hồi 11h30, ngày 7/9/1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước và nhân dân thế giới, đánh dấu một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Trạm phát sóng Bạch Mai cũng là nơi phát thanh viên Ngân Thanh, phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam, đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19-12-1946, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.