Trạm thu phí T2 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Ảnh Lê An |
Sáng 29/1, đoàn làm việc của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang để xử lý những nội dung liên quan đến trạm thu giá dịch vụ đường bộ thuộc Dự án ĐTXD công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn km14-Km50+889 theo hình thức BOT.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, đối với địa phương, người dân đa phần phản ứng về sự bất hợp lí trong việc đặt vị trí của trạm T2 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Đặc biệt, sau khi cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng thì chắc chắn nhiều vấn đề bất cập sẽ xảy ra. Trong đó vấn đề ANTT sẽ không được đảm bảo. Do đó, ông Thức kiến nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết những vấn đề còn bất cập tại trạm.
Đối với Cần Thơ, phía TP cũng như những địa phương có liên quan, đều kiến nghị miễn, giảm giá cho các phương tiện theo kiến nghị của UBND TP đã gửi trước đó nhằm đảm bảo vấn đề ANTT tại khu vực đặt trạm.
Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty Cổ Phần đầu tư QL 91 Cần Thơ- An Giang cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Nhà đầu tư đã thực hiện giảm giá đường bộ cho hơn 1.100 phương tiện và đã được triển khai từ ngày 1/9/2017.
Cụ thể, tại trạm T1 giảm 108 xe thuộc phường Phước Thới và châu Văn Liêm và 46 xe buýt. trạm T2, hơn 1000 xe thuộc TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang.
Sắp tới, Nhà đầu tư sẽ tiếp tục giảm theo đề xuất của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ cho tổng số hơn 2.000 phương tiện. Đồng thời, nhà đầu tư cũng khẳng định không thể tiếp tục giảm hơn nữa vì như thế nhiều vấn đề bất cập sẽ xảy ra và đặc biệt là có khả năng dẫn đến thời gian thu phí sẽ kéo dài, dẫn đến tình trạng phương án tài chính sẽ bị phá vỡ.
Đối với kiến nghị di dời trạm T2, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin, hiện tại Bộ đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến tránh Long Xuyên. Khi tuyến tránh này hình thành thì trạm T2 sẽ không còn tác dụng.
Theo đó, Bộ cũng đã thống nhất với phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong đó, tại trạm T2, thống nhất giảm giá cho 100% xe buýt, xe của người dân có hộ khẩu thường trú và có trụ sở đặt tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh), TP Cần Thơ; phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang); xe khách vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL80) về tỉnh An Giang (QL 91) và ngược lại.
Bên cạnh đó, theo tinh thần tự đề xuất của Nhà đầu tư sẽ giảm 50 % giá vé hiện hành cho xe không thuộc đối tượng theo đề nghị của tỉnh An Giang.
Đối với trạm T1, trước mắt thống nhất giảm 100% cho 10 xe đã được Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản trước đó và 100% cho xe buýt. Đối với những kiến nghị của Sở GTVT Cần Thơ liên quan đến các phương tiện trong phạm vi lân cận. Thứ trưởng giao Tổng Cục đường Bộ Việt Nam, cùng Nhà đầu tư, Sở GTVT TP Cần Thơ cùng địa phương có liên quan thành lập Tổ tiến hành rà soát, chốt lại danh sách các phương tiện nằm trong đối tượng miễn giảm trên tinh thần 100% miễn cho các phương tiện nằm trong bán kính 3km, 50% cho các phương tiện thuộc bán kính 5km. Theo đó, Tổ thống nhất phạm vi hành chính theo phạm vi địa giới hành chính, chốt danh sách các phương tiện để có thể đảm bảo tính hài hòa và công bằng về quyền lợi của người dân. Thứ trưởng yêu cầu Tổ công tác cần thống nhất danh sách làm sao để trong tuần tới có thể tiến hành miễn giảm cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận