Ông Hà Minh Thật |
Đã gần 30 năm, ông Hà Minh Thật, một trong 20 người tham gia trên con tàu 235 của đoàn tàu không số, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam vẫn không bao giờ quên chuyến đi khốc liệt năm nào vì có nhiều đồng đội của ông ngã xuống...
Trận đánh không cân sức
Một chiều đầu tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà ông Thật ở quận Gò Vấp - TP.HCM. Căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ, giản dị, ngăn nắp và chỉ có hai vợ chồng ông sinh sống.
Bên ấm trà, ông Thật kể gia đình ông có 5 anh chị đều tham gia cách mạng. Năm 1964, khi vừa tròn 19 tuổi, ông lên đường nhập ngũ rồi được đưa về Lữ đoàn 125. Đây là đơn vị chuyên chở vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam với mật danh “đoàn tàu không số”. Được tham gia trên những chuyến tàu khác nhau nhưng chuyến tàu cuối cùng ông đi lại là chuyến đi đau thương nhất.
Sau năm 1975, Lữ đoàn 125 đã lập một ngôi miếu nhỏ và bia tưởng niệm để tên các anh hùng liệt sĩ của tàu 235 tại nơi một mảnh của con tàu bị nổ hất lên triền núi ở biển Hòn Hèo, xã Ninh Vân, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2011, kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Bộ VH,TT&DL công nhận nơi các chiến sĩ của tàu 235 nằm lại là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây vẫn giữ nguyên ngôi miếu nhỏ và bia tưởng niệm của Lữ đoàn 125 xây dựng. |
Thời điểm đó giáp Tết Mậu Thân 1968, ông Thật được tham gia chuyến tàu 235 do ông Nguyễn Phan Vinh là thuyền trưởng, vận chuyển vũ khí đến biển Hòn Hèo (nằm trong vịnh Vũng Rô, giáp ranh Phú Yên và Khánh Hòa) trên tàu xuất phát có 20 người. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, đến đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, tàu 235 đến vùng biển Nha Trang. Khi tàu vừa vào Hòn Hèo thì bị 12 chiếc tàu và một máy bay của địch bao vây nhằm bắt sống tàu của ta. Ngay lập tức, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra hiệu tắt đèn để tránh địch và vào bờ thả hàng. Hòn Hèo có lối vào hẹp và nhiều đá ngầm, đòi hỏi người thuyền trưởng phải dạn dày kinh nghiệm. Thuyền trưởng Vinh đã bản lĩnh điều khiển tàu luồn lách trong đêm tối thoắt ẩn, thoắt hiện như “con tàu ma” vượt thoát khỏi vòng vây của địch.
“Khi chúng tôi thả gần hết hàng, chuẩn bị ra biển, đột nhiên có bốn chiếc tàu của địch bao vây và bắn vỡ ống dẫn dầu làm tàu không thể di chuyển. Ngay lập tức, thuyền trưởng ra lệnh: “Tất cả vào vị trí chiến đấu”. Khi đó, tôi phụ trách trên boong tàu và được lệnh bắn trả. Đánh nhau với địch trên biển chỉ có cách chiến đấu trực diện một mất, một còn. Trên đầu chúng tôi lúc đó pháo sáng như ban ngày còn tứ bề là địch đang bắn xối xả. Dù yếu thế hơn nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu đến cùng...”, ông Thật hùng hồn.
Theo lời ông Thật, khi ấy ông bị địch bắn vào thắt lưng còn đồng đội ông tên là Hải phụ trách bên trái tàu cũng bị địch bắn nát cả hai chân. Thuyền trưởng Vinh cũng bị thương ở đầu nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để điều khiển tàu. “Sau hơn 20 phút chiến đấu, nhiều đồng đội của tôi hy sinh nên thuyền trưởng Vinh ra lệnh cho tôi tháo kíp bộc phá cho tàu chìm...”.
Ông Thật kể: Chiếc tàu được bố trí một tấn bộc phá phía dưới đáy, sau đó mới để vũ khí lên trên. Khi tình huống xấu xảy ra sẽ cho nổ tàu tránh để lọt vũ khí vào tay địch. Lúc này, ông lên tháo kíp và đặt giờ 25 phút sau sẽ nổ tàu. Khi ông và đồng đội nhảy xuống nước bơi vào bờ thì nghe thấy một tiếng nổ long trời lở đất, cả con tàu bùng cháy như một ngọn đuốc khổng lồ.
Giấy chứng nhận bị thương của pháo thủ Hà Minh Thật, tàu 235, Lữ đoàn 125 Hải quân |
7 ngày lưu lạc, đói khát
Khi mọi người bơi vào bờ, trời đã rạng sáng, hôm đó là mùng 1 Tết. Ông Thật và đồng đội tìm lại được nhau trên đảo Hòn Một nhưng chỉ còn 7 người. Hòn đảo khô cháy, không có nước ngọt, ông Thật cùng đồng đội phải vắt lá rừng, bóc thân cây, bắt kiến vàng, ốc sên ăn để duy trì sự sống.
“Đồng chí Mai Văn Khung lúc này bị đạn bắn xuyên từ phía sau găm vào phổi, thiếu ăn và khát nước không chịu được nên đi tìm nước. Sau đó mọi người nghe có tiếng súng nổ lớn bên ngoài. Chúng tôi tưởng anh bị địch bắn vì không thấy anh quay lại. Mãi đến sau này tôi mới mới biết anh bị địch bắt và đày ra Côn Đảo”, ông Thật rớm nước mắt khi kể lại.
Còn lại 6 người, ông Thật và một đồng đội khác bị thương nhẹ nhất xung phong đi tìm nước. Ông men theo đường rừng và phát hiện có một tốp địch đang đến gần. Không còn đường tránh, ông liền ném một quả lựu đạn về phía địch rồi chạy thục mạng ra biển. Ông lấy rong biển đắp kín người, nằm ở đó suốt một đêm, nước biển dâng tràn vào miệng đắng chát.
Sáng hôm sau, ông Thật thấy địch khuân ra hai cái cáng lớn thì ông mới biết quả lựu đạn mình ném hôm qua làm chết hai tên. Ngày hôm sau, địch phát hiện, truy đuổi và bắn vào chân trái ông. Ông cố chạy về phía núi, len lỏi vào các bụi dứa. Vết thương cũ chưa khỏi lại bị trúng phát đạn mới với bao ngày đói khát, thiếu ăn khiến ông lên cơn sốt rét. Nằm co ro một mình, cận kề với cái chết, ông tự nhủ: “Chẳng lẽ mình đành bỏ mạng ở nơi này”. Thế rồi, ông cố sức lết ra bờ biển lấy nước rửa vết thương, xé áo băng bó lại rồi tiếp tục đi tìm đồng đội. Nhìn sang bờ bên kia, ông thấy một làng chài có người dân đang sống và sau này ông mới biết đó là làng Ninh Diêm, Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Sang ngày thứ 7, nhóm ông Thật mới gặp được những người cùng chí hướng đang sống trong đất liền cứu sống. Tuy nhiên, nhóm lại bị thất lạc một người là anh Đoàn Văn Nhi do bị thương hai chân. Khi mọi người tìm đến thì chỉ thấy các mảnh vải băng bó vết thương bị vứt rải rác, một khẩu súng bị tháo vứt khắp nơi. Mọi người nghĩ anh đã hy sinh nên ai cũng khóc.
“Trước khi rời khỏi núi, chúng tôi lấy vỏ đạn pháo sáng khắc tên từng đồng chí đã hi sinh để sau này biết được vị trí các đồng đội nằm lại. Sau đó, 5 người chúng tôi được đưa sang tỉnh Phú Yên, rồi đi bộ 5 tháng mới ra đến miền Bắc”.
Sau khi đất nước thống nhất, mỗi người một nơi nên những người lính từng vào sinh ra tử ấy ít khi được gặp lại nhau. Hiện, chỉ có ông Hà Minh Thật đang ở Sài Gòn. Nhưng ký ức về “đoàn tàu không số” thì vẫn vẹn nguyên trong ông. Viên đạn ông bị địch bắn đến nay vẫn còn nằm ở lưng phải, gần xương sống, không thể giải phẫu gắp ra được khiến ông thường xuyên đau nhức, đặc biệt là khi trái gió trở trời.
* Ông Hà Minh Thật (SN 2/10/1945) tại Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình. Năm 1964, ông tham gia quân ngũ và được phân về Lữ đoàn 125, chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược bằng đường biển từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Năm 1970, ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải quân sau đó quay lại Lữ đoàn 125 làm thuyền phó rồi thuyền trưởng. Năm 1982, ông sang Liên Xô học lớp Tham mưu một năm và về làm Hải Đội trưởng đơn vị Cục Hậu cần Hải quân 384. Sau đó, học lấy bằng thuyền trưởng và chuyển về Cục đường sông. Năm 1998, ông chuyển về Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, đến năm 2012 về hưu. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận