Y tế

Tràn lan thuốc, kẹo giải rượu uống vào “lái xe không bị phạt”?

11/01/2020, 06:37

Các dịch vụ ăn theo sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, trong đó có việc bán sản phẩm giải rượu cũng rầm rộ hút khách.

img
Một loại “kẹo giải rượu” đang được quảng cáo rầm rộ có thể “thổi bay” nồng độ cồn trong cơ thể sau khi uống rượu, bia

Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, trong đó quy định mức phạt rất nặng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, các dịch vụ ăn theo trong đó có việc bán sản phẩm giải rượu cũng rầm rộ hút khách.

Ngang nhiên quảng cáo “thuốc” giải rượu

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trên thị trường hiện có hàng trăm loại sản phẩm có tên gọi “giải rượu” được rao bán. Hầu hết các loại này có xuất xứ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và có cả sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Có nhiều sản phẩm được giới thiệu hàng “xách tay”, khó xác định được nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng thật.

Tại hiệu thuốc trên phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội, khi được hỏi về “thuốc” giải rượu, nhân viên bán hàng giới thiệu liền 3 loại (Dr Spi - Hepatopathy, Condition và Cenudo) rồi nhanh nhẩu cho biết: “3 loại này đang rất được nhiều người hỏi, chắc bởi công dụng giải rượu tốt. Cũng sau khi có luật cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông, mấy loại thuốc giải rượu cũng bán tăng hơn. Có ngày bán đến chục sản phẩm, chứ trước thi thoảng mới có người hỏi thôi”.

Trên các trang bán hàng trực tuyến, nhiều loại “thuốc” giải rượu từ dạng viên, kẹo, nước cũng được quảng cáo thổi phồng công dụng giải rượu và giá cả “loạn cào cào”. Ví như, sản phẩm kẹo giải say Hàn Quốc Ready Q Chew được người bán hàng giới thiệu “đây sẽ là vị cứu tinh giúp bạn thoát khỏi những cơn say bí tỉ với thành phần tinh chất nghệ với hàm lượng 30mg mỗi viên, giúp tống khứ nhanh lượng cồn trong máu, có tác dụng giải, chống say hiệu quả, có thể thổi bay nồng độ cồn. Đồng thời, giúp bạn “lên đô” nếu tửu lượng kém, không còn ngại ngùng khó xử khi bị ép, mời uống”. Loại này được quảng cáo nhập khẩu từ Hàn Quốc và được mỗi nơi rao bán 1 giá khác nhau, xê dịch từ 450 - 550 nghìn đồng/túi.

Hay sản phẩm nước giải rượu Condition cũng xuất xứ Hàn Quốc, được quảng cáo: “Thật bất ngờ khi những lợi ích mà nước giải rượu Hàn Quốc Condition mang lại không phải ai cũng biết, đó là điều tiết sự chuyển hóa rượu etylic có trong đồ uống cồn nhằm tránh những tác động có hại đối với cơ thể, có tác dụng chuyển cồn thành nước. Chống ngộ độc rượu, giảm triệu chứng sau khi uống rượu như buồn nôn, đau đầu, ợ nóng, đặc biệt ngày hôm sau uống rượu thức dậy hoàn toàn khỏe khoắn không có dấu hiệu mệt mỏi nữa”. Sản phẩm này được rao với giá từ 290 - 600 nghìn đồng/hộp.

Chưa cấp phép cho “thuốc” giải rượu nào

img
Một trang web rao bán viên giải rượu

Trước thông tin về các sản phẩm giải rượu được rao bán trên thị trường, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo và khẳng định: “Tại Việt Nam, chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc”.

BS. Lê Văn Dẫn, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, BV Thanh Nhàn cho biết: “Qua thông tin báo đài, tôi có thấy nhắc đến phương pháp giải rượu với các loại “thuốc”, kẹo giải rượu. Với chuyên môn của chúng tôi thì những cách đó đều chưa được khoa học chứng minh. Tại cơ sở y tế, với những bệnh nhân ngộ độc methanol, chúng tôi có biện pháp điều trị lọc máu, khi có tình trạng suy đa tạng và rối loạn chuyển hóa. Còn việc sử dụng kẹo giải rượu hiện chúng tôi chưa có bằng chứng nào cho thấy mang lại hiệu quả hữu hiệu, nên đây không phải là khuyến cáo cho cộng đồng khi dùng rượu, bia. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nên sử dụng vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình”.

Còn theo PGS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, các thuốc giải rượu đều không thể giải được hoàn toàn nồng độ rượu, bia trong cơ thể như quảng cáo. Các loại sản phẩm giải rượu có mặt trên thị trường hiện nay thực chất không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng. Thành phần chủ yếu là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và các enzyme. Các thành phần trong sản phẩm giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể do tác dụng của enzyme chuyển hóa… Tuy nhiên, nếu uống nhiều rượu, các viên giải rượu tạm thời này sẽ không thể hóa giải hết lượng rượu, lượng cồn trong cơ thể nên người uống vẫn có thể say và ngộ độc rượu.

“Việc dùng thường xuyên, quá liều, các loại “thuốc” giải rượu sẽ dẫn tới tăng các men gan như AST, ALT, gamma-GT, làm giảm chất bảo vệ gan, dần gây hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa... Hơn nữa, nếu sử dụng loại “thuốc” này còn không rõ nguồn gốc, thành phần hoàn toàn có thể làm hại gan hơn. Tôi từng gặp bệnh nhân sau khi uống bia rượu về uống hai viên giải rượu và kết quả hôn mê chức năng gan, vì gan quá tải khi chịu tác động của rượu cộng thêm “thuốc” giải rượu”, ông Đức chia sẻ.

Các bác sĩ đều cho rằng, việc lạm dụng rượu bia mang lại nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người uống, chính vì vậy, mỗi người cần ý thức hạn chế việc sử dụng hơn là tính đến việc dùng các sản phẩm giải rượu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.