Đạo diễn Trần Lực và Luc Team |
Không còn trẻ nhưng đạo diễn Trần Lực vẫn liều lĩnh mở sân khấu kịch tư nhân trong khi khán giả chỉ có thói quen xem gameshow, truyền hình thực tế. Không chỉ vậy, đoàn kịch của anh lại đi theo phong cách sân khấu biểu hiện ước lệ mới mẻ khiến diễn viên luôn phải diễn với tinh thần “chui vào bụi rậm” để thay đổi sở thích của khán giả.
Phải có tinh thần "chui vào bụi rậm"
Thời buổi sân khấu kịch vật lộn tìm cách kéo khán giả đến rạp, đạo diễn Trần Lực mạnh dạn đầu tư một đoàn kịch riêng khiến công chúng ngỡ ngàng. LucTeam được gọi vui là “đoàn kịch thày và trò” bởi các diễn viên hầu hết là học trò của Trần Lực. Nói chuyện với Trần Lực, nghe anh say sưa kể về các diễn viên trẻ của mình mới thấy tâm huyết của anh và các học trò của mình dành cho sân khấu kịch nhiều thế nào.
Ngày 23/11 vừa qua, LucTeam đã có màn “chào sân” khán giả Hà Nội với vở diễn Cơn ghen của Lọ Lem. Bắt đầu từ tháng 12, nhóm sẽ chính thức biểu diễn tại L’Espace 24 Tràng Tiền. “Sân khấu đương đại đòi hỏi cái tôi rất cao của người nghệ sĩ. Tôi buộc các diễn viên của mình cũng phải có cái tôi cá nhân trong nghệ thuật. Anh không theo được guồng thì sẽ tự loại mình ra khỏi tập thể chứ tôi sẽ không đuổi ai cả. Đó là sự chủ động với một đoàn kịch tư nhân”, đạo diễn Trần Lực chia sẻ. |
Trần Lực hào hứng kể, có những bạn trẻ bỏ cơ hội đóng phim để theo tập kịch. Mặc dù, để gia nhập đội kịch của anh không hề dễ. Họ đã tập luyện 4 năm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có thể bắt nhịp được với loại hình kịch mà người thày của mình đeo đuổi. Bởi với sân khấu hình tượng ước lệ, ngoài năng khiếu về diễn xuất, các diễn viên còn phải biết dùng ngôn ngữ cơ thể linh hoạt để diễn tả tâm ý nhân vật.
Họ phải học xiếc cơ bản để giải phóng hình thể, học âm nhạc để cảm, để đạt những tiêu chuẩn âm nhạc nhất định như hát đúng nhịp, phách… Với những điều ấy, sân khấu của LucTeam luôn vận động không ngừng, để lan tỏa năng lượng trẻ trung tới khán giả.
Là đoàn kịch mới, Trần Lực hiểu tâm lý của các diễn viên trẻ trong đội của mình. Hiểu được những khó khăn, hoang mang của họ khi quyết định theo anh làm một con đường hoàn toàn mới và đầy chông gai.
Vì thế, ngay từ khi bắt đầu, anh đã phải làm công tác tư tưởng với các diễn viên, để họ hiểu rằng, LucTeam là người mới và việc thay đổi sở thích xem kịch lâu nay của khán giả là cả một vấn đề. Cũng vì là người mới, mọi người phải có tinh thần chui vào bụi rậm, chấp nhận gai đâm, rắn cắn. Mọi thứ đều phải từ từ, không thể nóng vội.
“Bản thân tôi là người cầm trịch, tôi phải chuẩn bị sẵn tinh thần như vậy mới đi được. Luôn có hai phương án: Được mọi người đón nhận hoặc không được. Nhưng dù thế nào, vẫn phải thể hiện sự chuyên nghiệp. Một người đến xem vẫn diễn như kín rạp. Đông người xem thì không được bốc đồng, phải bình tĩnh. Điều quan trọng là chúng ta cần quan tâm chất lượng sản phẩm của mình”, anh tâm sự.
Tồn tại không bằng mọi giá
Nam đạo diễn cũng khẳng định, anh sẽ tìm mọi cách để đoàn kịch tồn tại, nhưng không phải bằng mọi giá. Có thể tồn tại trong sung sướng, no đủ, cũng có thể khó khăn. Tuy nhiên, bởi hiện tại mới chỉ là “khởi nghiệp” bước đầu nên mọi thứ vẫn cần thời gian để định hình. Bản thân anh cũng không lường trước được điều gì vì thành công hay không phụ thuộc vào nhiều thứ, nhất là thói quen của khán giả. Anh chỉ lường trước các tình huống, cả việc có thể bị lỗ. Nhưng đó là chuyện buộc phải chấp nhận. “Nghệ thuật đôi khi là cuộc chơi, dù mạo hiểm nhưng cũng có thú vị riêng. Đừng căng thẳng quá vì căng thẳng khán giả sẽ không thích”, anh nói.
Hiện tại, LucTeam có khoảng hơn 10 diễn viên và nam đạo diễn đang có ý định tuyển thêm người sau khi nhóm 1 đi vào ổn định. Trần Lực cho biết, anh muốn làm nhiều vở để cùng một lúc có thể diễn ở hai điểm. Dự định là có thể xây dựng cùng một vở kịch, hai người cùng diễn một nhân vật nhưng với hai lối diễn khác nhau. Mỗi sự kiện, tình huống trên sân khấu, họ sẽ có những cách xử lý khác nhau. Để khán giả có thể hôm nay xem người này đóng, mai xem người khác đóng. “Đến với sân khấu của tôi, các diễn viên phải có cái tôi rất mạnh, thậm chí bảo thủ, mạnh mẽ với cách suy nghĩ về nhân vật của mình. Vì phong cách biểu hiện ước lệ đòi hỏi sáng tạo cá nhân, cái tôi của diễn viên”, anh chia sẻ.
Đối với LucTeam, việc diễn ở sân khấu nào không quan trọng. Bởi, đoàn xác định là đoàn kịch chuyên nghiệp, diễn ở sân khấu nào cũng được. Tuy nhiên, những địa điểm tiêu chuẩn vẫn sẽ là ưu tiên dù thực tế, có một sân khấu riêng cho đoàn kịch của mình biểu diễn cũng là mơ ước của Trần Lực.
Tại Hà Nội, Trần Lực có phần “liều” khi lập một đoàn kịch tư nhân trong lúc các đoàn kịch Nhà nước vẫn ít nhiều bám vào “bầu sữa bao cấp”. Để sống và vật lộn với nghề bầu sân khấu không phải dễ, anh cũng tham khảo các bạn bè Sài Gòn để tìm hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, đoàn kịch hướng tới các vở diễn có chất giải trí, hồn nhiên, tươi mát, đưa khán giả tới những cung bậc cảm xúc đã thật sự níu chân được khán giả Hà Nội hay không?
Cùng đó, bài toán nhân sự để giữ chân được các diễn viên trẻ không phải dễ. Cho dù hiện tại, các diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, họ tình nguyện theo anh để đi khai phá con đường mới trong nghệ thuật mà không đòi hỏi nhiều. Trần Lực cho hay, anh không ép buộc bất cứ ai. Nếu các diễn viên của mình trở thành các ngôi sao sân khấu khác, đó cũng là niềm hạnh phúc của một người thày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận