PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết, ông hoan nghênh quyết định của nhà đài khi cấm sóng Trấn Thành. |
- Ông đánh giá như thế nào về quyết định Đài truyền hình Vĩnh Long khi cấm sóng Trấn Thành?
Tôi hoan nghênh quyết định này của nhà đài. Vì Trấn Thành hiện nay dễ dãi, bắt đầu có xu hướng lạm dụng khả năng của mình. Nói năng ba trợn ba trạo, không chọn lựa, thiếu sự chững chạc, lặp lại. Tự cho phép mình nói điều này, điều kia. Tôi được biết, không ít khán giả cũng đã không thích Trấn Thành.
- Theo ông, tại sao các nhà đài không cấm ngay từ đầu mà đến bây giờ mới cấm?
Có lẽ do xu hướng thương mại, thành ra các đài không hy sinh. Có thể thấy, để hài nhảm, hài tục phát triển đến nay là sai từ định hướng các hình thức giải trí. Nhà đài đã để liều lượng nhiều, không có chuyện giám sát kiểm duyệt sát sao, các chương trình, các nghệ sĩ.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Trấn Thành quá dễ dãi, lạm dụng khả năng của mình |
- Theo ông đánh giá thì việc hài nhảm lên ngôi là do khán giả đang ngày càng dễ dãi hay do ý thức của một bộ phận nghệ sĩ hài về tiếng cười không cao?
Câu chuyện này có 2 vấn đề. Đầu tiên là khán giả, công chúng dễ dãi. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, xây dựng làm ăn, nhu cầu giải trí của người dân lớn. Hài "nghiêm túc" hay các chương trình chính thống nhàm, sơ cứng, đơn điệu xem chừng không đủ sức hấp dẫn khán giả. Do vậy, có sự giảm thiểu nghèo nàn sơ lược trong những đòi hỏi của bộ phận công chúng dễ dãi, cười lấy được. Có thể thấy, những bộ phận công chúng lớn hầu như là những bộ phận không được trang bị đầy đủ.
Công bằng mà nói, Trấn Thành là người đa năng, có khả năng hoạt ngôn. Khi khán giả dễ dãi, thì Trấn Thành cũng dễ dãi với mình. Khi fan hâm mộ đông, tự dẫm lên mình, tự lặp lại mình, chủ quan, không chịu học hành, không tìm tòi, sáng tạo. Bằng lòng với mình và không chịu phát triển nữa, lặp lại, thậm chí cố tình đưa ra những chiêu trò "độc".
Như vậy có 2 vấn đề, các nghệ sĩ hài chủ quan, tự bằng lòng với mình và khán giả dễ dãi khiến hài nhảm tràn lan như hiện nay.
Xem hài miền Bắc và miền Nam khác hẳn nhau. Không phải ngẫu nhiên, chương trình Gặp nhau cuối năm có sự bền vững, ổn định. Bởi vì Gặp nhau cuối năm là một chương trình rất chững chạc, đàng hoàng, có chiều sâu. Ví dụ Xuân Bắc, Tự Long có nhiều khả năng, hát được, dẫn chương trình được, diễn hài, chính kịch được. Tương tự, Công Lý có khả năng đóng được nhiều vai, giàu cung bậc, đa dạng. Điều cuối cùng là họ biết tiết chế mình trên sân khấu, hiếm khi nói tục.
- Không dễ nhìn thấy, nhưng những thể loại hài nhảm, tục tĩu đó chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa xã hội, thưa PGS?
Điều này rất tai hại. Thử tưởng tượng là nhiều gia đình, buổi tối hay ngồi lại để xem hài, trong đó có con trẻ, vì hài thì không ai cấm trẻ xem cả. Nhưng hài hiện nay nhan nhản những lời nói tục, những hành động phản cảm. Ai dám chắc là trẻ không bị tác động xấu bởi những tiết mục hài như thế?!
Về mặt văn hóa nghệ thuật thì bị ảnh hưởng bởi hài nhảm rõ ràng rồi, đó là làm cho đời sống hài kịch ngày càng đi xuống, dù bề nổi có vẻ đang rất sôi nổi.
- Vụ việc Trấn Thành bị cấm sóng, theo ông có “gạn đục khơi trong” cho hài kịch không?
Với một diễn viên đang ăn khách, có nhiều show diễn, cát sê cao rõ ràng việc cấm sóng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ khác. Các nghệ sĩ phải tỉnh táo, soi lại mình. Cho dù là hài nhưng vẫn phải toát lên giá trị chân thiện mỹ trong đời sống con người chứ không phải thiếu suy nghĩ, hời hợt.
Truyền hình thực tế hiện nay rất lôi thôi, cứ tựa vào 1-2 tên tuổi cà cội, vậy làm sao chương trình khỏe, bền vững được. Do vậy, các NSX, nhà đài cần phải lập lại trật tự cho các gameshow.
- Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận