Sáng 16/3, tại Hội Báo toàn quốc 2024 đã tiếp tục diễn ra các phiên thảo luận thứ 5 với nội dung "Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí". Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia thảo luận.
Doanh thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông khắc họa toàn cảnh bức tranh kinh tế báo chí thời gian qua.
Ông cho rằng việc làm thế nào để đa dạng nguồn thu đang là vấn đề trăn trở của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận độc giả và cần sự tiếp sức về cơ chế chính sách.
Theo thống kê từ Cục Báo chí những năm hậu đại dịch doanh thu báo chí có xu hướng ổn định hơn nhưng mức phục hồi, tăng trưởng chậm.
78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ 10 - 30%, trong đó 16,9% cơ quan báo chí có doanh thu giảm.
Khảo sát cho thấy 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định và giảm, 74,6% có nguồn thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định và giảm.
Cũng theo ông Đồng, hiện nay một số cơ quan báo chí trên thế giới và Việt Nam đã áp dụng hình thức thu phí độc giả trên báo điện tử. Tuy nhiên đến nay hiệu quả còn hạn chế.
Nguyên nhân phụ thuộc về nhận thức tầm quan trọng của độc giả. Vì vậy, các tòa soạn cần đa dạng hóa cách thức tiếp cận với độc giả mới, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đối tượng này có xu hướng truy cập tin tức trên các kênh thông tin mạng xã hội.
Sự bùng nổ của các kênh thông tin YouTube, mạng xã hội đang là thách thức lớn đối với kinh tế báo chí.
Theo ông Đồng ngoài việc không ngừng đổi mới về cách thức tiếp cận nhiều đối tượng độc giả, báo chí cũng cần được tiếp sức để tồn tại.
Giải pháp trước mắt cần miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các sản phẩm báo chí. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các gói truyền thông chính sách
Về dài hạn cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí. Hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò "cầu nối" của Bộ TT&TT, các Hiệp hội.
Nhà nước cần tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng các nhóm đơn vị truyền thông chủ lực.
Giải pháp đa dạng nguồn thu của các báo
Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, rất tâm tư bởi nguồn thu các cơ quan báo chí đều sụt giảm, đặc biệt là lượng phát hành báo in, doanh thu quảng cáo.
Thời gian qua, Báo Giao thông đã rất nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm để bù đắp các nguồn thu truyền thống sụt giảm.
Trong chiến lược phát triển của mình, Báo Giao thông xác định nội dung là quan trọng nhất và phải dồn lực làm nội dung tốt nhất, đổi mới từng ngày. Đây là cách để giữ chân bạn đọc, đối tác. Nhưng bên cạnh đó, phải tranh thủ mọi cơ hội để đa dạng nguồn thu. Bà Nga chia sẻ, Báo Giao thông đã trở thành đơn vị tổ chức sự kiện, toạ đàm, hội thảo chuyên nghiệp. Có những hội thảo quy mô lớn, phải đấu thầu quốc tế và đạt tiêu chuẩn khắt khe của UNDP...
Đặc biệt, báo đã rất nhanh chóng ứng dụng công nghệ, tổ chức hội thảo trực tuyến 3D đầu tiên tại Việt Nam, liên tiếp tổ chức cầu truyền hình internet nhiều điểm cầu, có sự kiện truyền hình trực tiếp và trực tuyến 12 điểm cầu đều ở vùng sâu vùng xa, chưa có điện, hạ tầng...
"Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, có thành công nhất định, doanh thu toà soạn và thu nhập của người lao động 10 năm qua chỉ tăng, không giảm nhưng chúng tôi vẫn nhận định tình hình rất khó khăn. Để có sự đổi mới vượt trội về công nghệ, các báo rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về đặt hàng truyền thông chính sách, hỗ trợ chuyển đổi số", bà Nga nói.
Tại phiên thảo luận ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động khẳng định, trước sự sụt giảm nguồn thu, tờ báo này cũng phải thay đổi mạnh mẽ và thích ứng.
"Những năm qua tập thể Báo Người lao động đã tập trung đổi mới, truyền thông sự kiện, mạnh dạn mở mục "Dành cho bạn đọc VIP" có thu phí để đa dạng nguồn thu... và bước đầu đạt những kết quả tích cực", ông Tuân nói.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long cho biết, nguồn thu của đài này mỗi năm trên 1.500 tỷ đồng, thuộc top những cơ quan báo chí có nguồn thu lớn.
Để làm được điều đó, ngoài các kênh truyền hình truyền thống, đài Vĩnh Long đã xây dựng nhiều kênh YouTube để phục vụ đa dạng nguồn khán giả khác nhau.
Ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ chia sẻ về thực hiện các sự kiện truyền thông gắn liền với nội dung báo chí.
Chẳng hạn như báo Tuổi trẻ thực hiện vệt sự kiện "Ngày phở tại Nhật Bản" thu hút 85.000 lượt khách Nhật đến tham quan.
Sự kiện này báo không lãi về nguồn thu trực tiếp, nhưng trong suốt các chuỗi hoạt động, các nhãn hàng về gia vị đã đồng hành, sát cánh cùng báo.
Đó là nguồn thu gián tiếp rất tốt và các doanh nghiệp họ thấy thực sự cần thiết để tham gia chuỗi sự kiện của báo.
Ngoài khó khăn về nguồn thu, việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 20% của các cơ quan báo chí cũng là vấn đề mà nhiều tổng biên tập các báo kiến nghị cần có cơ chế tháo gỡ.
"Hoạt động tạo nguồn thu của cơ quan báo chí không đơn thuần là kinh doanh mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị", ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long kiến nghị.
Cần nắn dòng quảng cáo về báo chí
Một vấn đề nữa của báo chí hiện nay là sự cạnh tranh của các nền tảng xã hội trong thu hút quảng cáo.
Nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho rằng, cơ quan nhà Nước cần có những chính sách để quản lý các nền tảng này tốt hơn, chặt chẽ hơn.
Không lý gì các cơ quan báo chí truyền thông tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí, truyền thông nhưng các mạng xã hội lại phát những chương trình trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, trái đạo lý. Thế nhưng các nền tảng này lại thu hút người xem, và từ đó thu hút quảng cáo.
Đồng tình với những ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí về những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đã có những chính sách để "nắn dòng quảng cáo về báo chí".
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lên danh sách các trang mạng, trang thông tin điện tử để giám sát thông tin. Những trang nào vi phạm bản quyền, nội dung... sẽ đưa ra khỏi danh sách để các nhãn hàng biết và không quảng cáo trên đó.
Khi làm được điều đó, các nhãn hàng, doanh nghiệp sẽ từng bước nhận ra và quay trở lại với những cơ quan báo chí chính thống.
Về tình hình kinh tế báo chí khó khăn không riêng gì ở Việt Nam mà cả thế giới, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguồn thu chính từ các doanh nghiệp cũng sụt giảm do thay đổi mô hình giới thiệu quảng bá sản phẩm. Thay thế bằng các phương thức khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội vì họ thấy rằng hiệu quả hơn.
Hiện tại các cơ quan ở địa phương đều có các phương thức truyền thông cơ sở, Nhà nước cũng tăng cường truyền thông chính sách, đặt hàng qua các cơ quan báo chí. Dự báo thời gian tới đây cũng là một trong những phương án tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí.
Ngoài việc đa dạng nguồn thu, cơ quan báo chí cũng phải thay đổi để có những chủ trương chi hợp lý. Điều này góp phần cân đối nguồn tài chính của cơ quan mình.
Cùng với đó là đa dạng nguồn thu từ sản phẩm báo chí, thay đổi tìm lối đi riêng cho mình từ thị trường quảng cáo đang thay đổi từng ngày.
Ngoài việc chấp hành các chủ trương chính sách của Nhà nước, tìm nguồn thu để duy trì hoạt động, các cơ quan báo chí cần tỉnh táo, không bất chấp thu hút các hình thức quảng cáo trái pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau", Thứ trưởng Lâm lưu ý và cho biết, đối với các khó khăn về định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ TT&TT sẽ là cơ quan đầu mối cùng phối hợp các bộ, ngành tham mưu đề xuất để được tháo gỡ thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận