Thời sự

Trăn trở lời tuyên thệ của tân Thủ tướng ngày 7/4

05/04/2016, 07:03

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chia sẻ những trăn trở về lời tuyên thệ của tân Thủ tướng vào ngày 7/4.

7

ĐBQH Nguyễn Thái Học trăn trở về lời tuyên thệ của Thủ tướng ngày 7/4

Có ĐBQH đề xuất, khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7/4 tới, tân Thủ tướng Chính phủ nên cam kết mạnh mẽ việc đẩy lùi tham nhũng, quan điểm của ông thế nào?

Trong lời tuyên thệ có cần nêu lên lời hứa phòng chống tham nhũng hay không, tôi nghĩ đó là suy nghĩ và trách nhiệm của tân Thủ tướng khi tuyên thệ. Không phải trong lời tuyên thệ có nhắc tới phòng chống tham nhũng thì tân Thủ tướng mới quan tâm tới phòng chống tham nhũng. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao lời tuyên thệ của người đứng đầu Chính phủ mới thể hiện trách nhiệm trước dân, trước đất nước.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, luật và Hiến pháp đã quy định rất rõ. Vì thế, nội dung nào cũng yêu cầu Thủ tướng tuyên thệ thì làm sao thể hiện hết được. Cái quan trọng hơn là nội dung thể hiện trong các chương trình hành động của Thủ tướng mới, quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ trước nhân dân như thế nào. Tôi cho rằng, thời gian tuyên thệ có hạn, lời tuyên thệ của tân Thủ tướng phải thể hiện được quyết tâm để người dân, cử tri tin tưởng là Thủ tướng sẽ làm hết lòng, hết sức vì dân. Làm sao để người dân tin tưởng và kỳ vọng lời tuyên thệ của Thủ tướng là thiêng liêng, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Đó mới là điều mà tôi và cử tri cả nước chờ đợi.

Tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo ông, tới đây, người đứng đầu Chính phủ cần có hành động mạnh mẽ như thế nào để thể hiện được trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề nhức nhối này?

Đúng là công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua trong báo cáo trình Chính phủ cũng như đánh giá của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng là chúng ta chưa ngăn chặn đẩy lùi được tham nhũng dù có nhiều nỗ lực, quyết tâm, dù có nhiều chuyển biến. Tham nhũng đang được ví như giặc nội xâm, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, nguy hiểm hơn nữa làm mất niềm tin người dân với vai trò lãnh đạo của Đảng. Bản thân tân Thủ tướng Chính phủ mới sẽ nhận thức rõ được tình hình tham nhũng khi nhận nhiệm vụ, từ đó có hành động quyết liệt, ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn này. Nhưng chắc chắn, để làm được điều này rất khó khăn.

Vậy theo ông, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Việc này khó khăn bởi một mình Thủ tướng không thể làm được, mà đòi hỏi sự đồng bộ từ T.Ư tới địa phương. Để có sự đồng bộ thì người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết liệt chống tham nhũng. Thực tế, hiện nay không phải cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương nào cũng quan tâm tới phòng chống tham nhũng, cứ khi nào thanh, kiểm tra mới vội vàng vào cuộc.

Có ý kiến cho rằng nhiệm kỳ vừa rồi, “giá như Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật một vài vụ, một vài người thì tình hình đã tốt hơn”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Thực tế, cử tri có nói, công dân vi phạm pháp luật thì xử rất nghiêm, nhưng cán bộ, Đảng viên vi phạm thường xử nhẹ hoặc không xử. Và cán bộ có chức vụ một tí thì quá trình xử lý càng khó. Đâu đó ở các địa phương có thực tế này. Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ mới phải thực sự gương mẫu; Thực sự quyết liệt chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan công bằng trong xem xét, xử lý. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật dù ở cương vị nào. Làm được như vậy dân mới tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.