Giao thông

Trắng đêm cùng thủy thủ chống va trôi

12/09/2016, 11:05

Khi mùa nước lũ về, những thủy thủ tàu sông giàu kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn lại neo tàu ở phía thượng lưu...

17

Theo dõi phương tiện thủy để chống va trôi vào cầu Bình 

Khi mùa nước lũ về, những thủy thủ tàu sông giàu kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn lại neo tàu ở phía thượng lưu cầu Bình, sông Kinh Thầy để làm công việc ngăn ngừa phương tiện thủy va trôi vào cầu. Sự có mặt của họ suốt ngày đêm đã mang lại an toàn cho tàu bè qua lại nơi đây.

Đèn chống va trôi không bao giờ tắt

Trời vừa sẩm tối, sự tĩnh lặng của vùng sông nước đã nhanh chóng xóa đi cảnh nhộn nhịp của xe cộ qua lại trên mặt cầu Bình (sông Kinh Thầy, trên tuyến QL183 nối QL5 và QL18). Ở trên nhà nổi của Đội Chống va trôi cầu Bình (thuộc Công ty CP Quản lý Bảo trì ĐTNĐ số 7), tôi cảm nhận được những con sóng về đêm ngày càng mạnh hơn, gió cũng lạnh hơn.

"Anh em trong đội chống va trôi làm việc, sinh hoạt 24/24h trên tàu, ban ngày rất nóng, đêm lại lạnh. Công việc chống va trôi nguy hiểm, chỉ cần sơ suất hoặc chậm chút thôi cũng có thể bị tai nạn, mất mạng. Những người làm công việc này đều có tay nghề vững, được tuyển chọn trong công ty và đều qua huấn luyện nghiệp vụ, an toàn lao động”.

Ông Cao Thanh Phú
Trưởng ban công trường chống va trôi cầu Bình

Đêm xuống, chỉ còn nhận ra những con tàu lưu thông trên tuyến bằng những chấm đèn (đèn mạn) xanh, đỏ được gắn trên tàu và những âm thanh xịch xịch đều đều phát ra từ phương tiện. Bữa tối được dọn ra, hơn chục thành viên trong ca trực đêm tranh thủ thay nhau ăn và trực theo dõi từng phương tiện qua lại. Bởi, mỗi con tàu đi qua đều phải được người trực dùng ống nhòm quan sát từ xa để nhận thông tin hoặc kịp thời phán đoán phương tiện có khả năng gặp tình huống xấu. Ngay trong bữa ăn, các thành viên khác cũng trong tư thế có thể đột ngột nhảy lên tàu, xuồng công tác để đi ứng cứu phương tiện, bảo vệ cầu Bình.

Trưởng ban công trường chống va trôi cầu Bình Cao Thanh Phú (tên thường gọi là Tú) chia sẻ, mỗi ca trực có 15 người, để vận hành 1 chiếc tàu cứu hộ, 1 xuồng cao tốc với nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn kịp thời phương tiện thủy khi lưu thông qua đây gặp sự cố có thể bị tai nạn hoặc đâm va vào cầu.

“Suốt đêm, đèn của đội chống va trôi không bao giờ tắt. Tàu công tác cũng không thả neo mà chỉ buộc dây vào phương tiện khác, để khi xảy ra tình huống cần ứng cứu đột xuất, chỉ trong vài phút là có thể xuất phát đi làm nhiệm vụ. Tất cả mọi người và phương tiện đều phải thức suốt đêm để khi có việc xảy ra, tàu của chúng tôi sẽ áp mạn tàu, buộc dây vào tàu cần ứng cứu, dìu phương tiện không đâm va vào trụ cầu và neo đậu an toàn”, ông Phú nói và đưa tôi lên chiếc tàu công tác 250CV, với đầy đủ các trang thiết bị như dây chão, đèn pin, rìu chặt dây, phao cứu hộ. Ông Phú cho biết thêm, mùa lũ này, sau hơn 2 tháng triển khai chốt chống va trôi chưa xảy ra trường hợp nào phải ứng cứu khẩn cấp ban đêm, mà chỉ có trường hợp xảy vào lúc trời mờ sáng, nên công việc ứng cứu cũng thuận tiện hơn.

18

Theo dõi phương tiện thủy để chống va trôi vào cầu Bình 

Hỗ trợ kịp thời gần chục đoàn phương tiện

Hơn 21h, ông Phú và người lái xuồng Ngô Văn Thiết dùng xuồng đi cảnh báo tàu khoảng 3.000 tấn BN- 1186 cẩn trọng khi lưu thông qua cầu, đưa tôi đi thực tế dòng chảy nguy hiểm dưới gầm cầu Bình. Theo các thành viên của đội chống va trôi, dòng nước nơi khoang thông thuyền cầu Bình có đặc điểm là phía thượng và hạ lưu cầu chênh nhau vài chục cm nên dòng chảy bị xoáy, xiết, khiến cho tàu xuôi nước dễ bị mất lái, còn tàu ngược nước bị đuối máy và trôi. “Năm 2007-2008, tại khu vực này hàng chục tàu thuyền bị tai nạn và đó cũng là lý do chúng tôi có mặt ở đây trong mùa lũ hàng năm để chống phương tiện va trôi, bảo đảm an toàn cho phương tiện, cầu vượt sông”, ông Phú kể.

Thuyền trưởng Trương Văn Quốc của tàu BN-1186 khi trò chuyện với tôi cũng bảo rằng, dòng nước qua cầu Bình nguy hiểm nhất trên tuyến sông Kinh Thầy nên anh và nhiều lái tàu khác đều ghi lại số điện thoại đường dây nóng của Đội Chống va trôi cầu Bình. “Ban ngày hay đêm đều thấy các anh ở đội chống va trôi ứng trực nên chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi qua đây”, thuyền trưởng Quốc nói.

Hơn 3h sáng, cả dòng sông vẫn tối đen, tàu thuyền qua lại ít dần, một số tàu neo lại gần khu vực của đội chống va trôi để nghỉ ngơi. Tuy vậy, thời điểm này tàu bị lắc lư mạnh hơn, mà theo giải thích của thuyền trưởng Quốc, đó là do “tàu chiến” cỡ vài ba ngàn tấn gây ra sóng. Điều này khiến đội lực lượng chống va trôi không dám chủ quan, lơ là nhiệm vụ, cho dù chưa xảy ra trường hợp phương tiện gặp sự cố ban đêm. Các thành viên của đội chống va trôi cho biết, việc ứng cứu phương tiện xuôi nước phức tạp hơn đi ngược vì phải nắn được phương tiện đi lọt qua cầu an toàn.

Trưởng ban công trường Cao Thanh Phú cho biết, năm nay từ khi triển khai đến nay, đội chống va trôi đã ứng cứu an toàn được 9 đoàn phương tiện và chủ yếu là đi xuôi nước. “Sáng 22/8, khi nước sông ở mức báo động 1, tàu tự hành HD-1668 trọng tải 1.000 tấn đang chở hàng xuôi nước thì gặp sự cố. Đội điều tiết đã ra hỗ trợ, sau gần 1 giờ lai dắt đã đưa tàu qua cầu Bình an toàn. Ngày 23/8, nước sông ở mức báo động 1, tàu kéo đẩy QN-6501 trọng tải 2.245 tấn chở hàng ngược nước nhưng không qua được cầu, điện thoại đề nghị hỗ trợ. Đội chống va trôi đã đưa tàu qua cầu an toàn”, ông Phú kể về hai trường hợp đã được ứng cứu vừa qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.