Liên quan đến vụ việc phạt quỳ học sinh trong lớp lan rộng trên mạng xã hội, chia sẻ với báo giới của cô Lê Thị Quy (giáo viên Trường THCS Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, “đây là lớp có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như các giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.
Thông thường, sau khi học sinh mắc khuyết điểm, cô Quy sẽ thông báo tới gia đình và mời phụ huynh đến trường trao đổi. Ngoài động viên, nhắc nhở, nhiều hình phạt như quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa cũng đã được áp dụng nhưng “vẫn bất lực với học sinh của lớp”.
Đặc biệt, trong lớp này có 5 học sinh dù đã được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng ý thức và sự tiến bộ rất chậm. Tháng 1/2019, cô Quy đã phải mời các phụ huynh đến trường họp để nói chuyện về phương pháp giáo dục và hình phạt quỳ được chính các phụ huynh đề xuất và cam kết để cô phạt "nếu học sinh quá hư".
Ngày 10/5, trên MXH lan truyền hình ảnh một học sinh bị cô giáo phạt quỳ trước bục giảng trong giờ học. Về việc này, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín cho rằng hành vi của cô giáo Lê Thị Quy bắt học sinh quỳ trước lớp là không đúng quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên. Tạm đình chỉ việc giảng dạy và công tác chủ nhiệm của cô giáo Lê Thị Quy 1 tuần, từ ngày 13/5/2019 để làm tường trình và kiểm điểm về hành vi của mình.
Trước hình thức phạt quỳ học sinh của cô giáo Quy đã nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Cô giáo T.L.H (một trường học tại Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với hình phạt bắt học sinh quỳ trong giờ học. Nghiêm khắc với học trò hư là đúng nhưng việc bắt học sinh quỳ là phản cảm, nhất là với học sinh đang tuổi trưởng thành. Hình phạt này khiến học sinh cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương.
Đây cũng là ý kiến của khá nhiều phụ huynh, khi cho rằng “hình thức phạt này chính là hành vi làm nhục người khác”.
Tuy nhiên, trước những chia sẻ của cô giáo Quy về sự “bất lực trước học sinh cá biệt” và “cha mẹ học sinh đề xuất hình thức phạt quỳ, để mong các em tiến bộ”, nhiều ý kiến cũng ủng hộ cách làm này.
Ông Nguyễn Quang (Hà Nội) cho rằng: “Xã hội đâu có hiểu về dạy và giáo dục học sinh nhất là học sinh cá biệt của giáo viên. "Ở trong chăn mới biết chăn có rận ". Ai là người trong cuộc mới thấu hiểu nỗi khổ của giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm được nhà trường phân cho lớp có nhiều học sinh cá biệt. Nếu cứ áp hình thức kỷ luật cô giáo mà không suy nghĩ thấu đáo, sẽ dẫn đến việc các giáo viên khác sẽ “kệ” học sinh - đỡ lo mất nghiệp, vậy nhà trường và xã hội sẽ thế nào”.
Còn ông Dương Văn Hùng (Bắc Ninh) chia sẻ: “Ngày xưa chúng tôi đi học, học sinh hư bị phạt đứng xó, quỳ là thường và kết quả bạn ấy có tiến bộ. Ngày nay có những học sinh bất trị lại khiến cả phụ huynh và giáo viên đều bất lực. Nếu là con tôi hư, áp dụng nhiều cách rồi không được, nếu dùng cách đó mà nó tiến bộ thì tôi cũng đồng tình”.
“Đau lòng lắm, buồn vì bất lực! Hãy để cho thầy cô được tự mình hành động. Không vì thế mà bỏ mặc hay kỉ luật thày cô giáo!”, ông Văn Hương (Hà Nội) nhận xét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận