Vụ việc một thanh niên phạm tội hiếp dâm, tòa sơ thẩm xử 2 năm tù nhưng sau đó bị hại rút đơn, tòa phúc thẩm quyết định miễn trách nhiệm hình sự khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Có nên sửa luật để răn đe, phòng ngừa những trường hợp tương tự?
Bị hại rút đơn sau khi nhận bồi thường
Mới đây, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Lưu Hồi Tôn (22 tuổi, quê Kiên Giang) về tội Hiếp dâm. Theo tài liệu điều tra, Tôn là sinh viên một trường đại học tại Cần Thơ. Tối 11/6/2018, sau khi đi uống rượu, Tôn về nhà trọ ở quận Ninh Kiều để thay quần áo thì thấy cô gái 24 tuổi đang ở tầng một nhà bên cạnh nên nảy sinh ý định đồi bại.
Theo Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức
Tôn khỏa thân trèo sang ban công nhà cô hàng xóm thì bị người này phát hiện, tri hô. Nhưng gã sinh viên vẫn lao đến vật nạn nhân xuống nền gạch, ép quan hệ tình dục. Cô gái chống cự quyết liệt, đạp Tôn khiến gã hoảng sợ bỏ chạy lên phòng ở tầng hai nằm ngủ đến khi cảnh sát đến bắt giữ. Đầu tháng 1 năm nay, TAND quận Ninh Kiều mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Tôn 2 năm tù về tội Hiếp dâm.
Sau đó, Tôn bồi thường cho bị hại và cô gái đã gửi đơn xin rút toàn bộ yêu cầu truy tố đối với kẻ có hành vi cưỡng hiếp mình. Đồng thời, bị cáo cũng kháng cáo xin được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX nhận định đây là tình tiết mới nên chấp nhận kháng cáo của Tôn.
Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thời gian qua liên tiếp xảy ra các cụ cưỡng hiếp, xâm hại mà nạn nhân chủ yếu là nữ giới, trẻ em khiến dư luận rất phẫn nộ. Vì thế, dư luận rất mong chờ những hình phạt đích đáng, nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, trong vụ việc này, luật đã quy định rất rõ ràng nên việc tòa miễn trách nhiệm hình sự đối với Tôn là không sai.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cứ thỏa thuận bồi thường tiền là được miễn trách nhiệm hình sự, mà người phạm tội phải đáp ứng được điều kiện như: Tội phạm thực hiện là tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng ít gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và phải được người bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Nếu như người phạm tội bồi thường tiền cho bị hại nhưng bị hại không nhận, hoặc có nhận nhưng không đồng ý hòa giải, không có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì người phạm tội vẫn sẽ bị kết án.
Sửa luật để phòng ngừa?
Theo luật sư Cường, trong vụ án nêu trên, có thể do nạn nhân đã chống cự quyết liệt và người phạm tội chưa thực hiện được hành vi đồi bại, chưa có hậu quả nghiêm trọng nào xảy ra nên bị hại đã bỏ qua, tha thứ. Còn đối với những sự việc có mức độ nghiêm trọng, để lại hậu quả thì có thể bị hại đã không xử sự như vậy. Mặt khác, nếu như hành vi hiếp dâm đến mức cấu thành tội phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì dù cho người bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì kẻ phạm tội vẫn sẽ bị xử lý hình sự.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án là đúng với quy định tại Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định người bị hại có quyền rút đơn đối với tội hiếp dâm.
Tuy vậy, luật sư Thơm cho rằng, thực tế hiện nay tình trạng xâm hại tình dục đang diễn ra khá nhiều, gióng lên một hồi chuông báo động. Vì vậy, các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định hiện hành, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc tương tự.
“Tránh tình trạng khi xảy ra vụ việc dâm ô hay hiếp dâm mà các bên thoả thuận bồi thường, dẫn đến việc bị hại rút đơn để kẻ phạm tội không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói cách khác, không thể để tình trạng kẻ phạm tội cứ đưa tiền rồi thuyết phục nạn nhân rút đơn là xong. Nếu như vậy, sẽ còn nhiều vụ việc mà kẻ phạm tội không bị trừng trị, pháp luật mất đi tính nghiêm minh”, luật sư Thơm nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận