Lần gần nhất, Lê Âu Ngân Anh trở thành tâm điểm khi bất chấp việc không được Cục Nghệ thuật và biểu diễn (NT&BD) cấp phép đi thi Miss Intercontinental 2018 nhưng cô vẫn quyết đi thi.
Cấp phép nhưng không cần quy định danh hiệu
Đã có không ít tranh cãi trái chiều về việc có nên bỏ việc cấp giấy phép cho các thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương sửa đổi Nghị định 79/2012 liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như nới lỏng cấp phép cho người đẹp dự thi quốc tế, Cục NT&BD đưa ra các phương án như: Chỉ cấp phép cho thí sinh tham gia một số cuộc thi quốc tế lớn với tư cách đại diện Việt Nam. Những cuộc thi nhỏ khác, ai đủ điều kiện của ban tổ chức có thể tự do tham dự với tư cách cá nhân. Phương án 2 là sẽ bỏ hoàn toàn việc cấp phép các thí sinh dự thi quốc tế. Đề án lần này cũng nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau.
Việc xin cấp phép hiện nay cho các người đẹp dự thi quốc tế cũng khá đơn giản. Tất cả thủ tục đều thực hiện online. Nếu đủ thủ tục, đúng quy định thì cũng xin được giấy phép rất nhanh. Chỉ có những trường hợp thiếu hoặc sai quy định mới khó xin cấp phép.
Phương án bỏ hoàn toàn việc cấp phép cũng có thể xảy ra một số vấn đề tiêu cực, nhưng đây là xu thế chung của thế giới thì ta cũng nên theo. Nhưng nếu bỏ cấp phép thì cơ quan quản lý nên có chế tài nào đó về khâu hậu kiểm.
Bà Phạm Kim Dung, TGĐ Công ty Sen Vàng (đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam)
Là người đã có gần 20 năm kinh nghiệm đưa thí sinh đi thi quốc tế, bà Thúy Nga, Tổng giám đốc Elite Việt Nam cho rằng, vẫn nên giữ việc cấp phép cho thí sinh. Bởi một thí sinh tham dự cuộc thi quốc tế thì điều đầu tiên thí sinh đó phải được Ban tổ chức cuộc thi đó xem xét chấp thuận hồ sơ, tức là phải phù hợp với cuộc thi. Tuy nhiên, có thể sẽ xảy ra vấn đề là thí sinh đang vướng vào kiện tụng trong nước mà đơn vị đề cử và BTC cuộc thi không biết, hoặc thí sinh có những sai phạm mà cho đến khi ra lấy dấu của phường hay công an mới bị phát giác.
Dù vậy theo bà Nga, việc cấp phép cho thí sinh một số cuộc thi, về căn bản vẫn không giải quyết được vấn đề lãng phí tài năng, không bám được vào tiêu chí của BTC các cuộc thi quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến thành tích của Việt Nam trong lĩnh vực sắc đẹp. Đơn cử, chỉ có hai cuộc thi lớn nhất là Hoa hậu thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ yêu cầu thí sinh phải là top 3 cuộc thi quốc gia, các cuộc thi còn lại không quy định cụ thể danh hiệu mà chỉ xét hồ sơ thực tế. Nhưng theo quy định hiện nay của Bộ VH,TT&DL, những thí sinh nằm trong top 5 các cuộc thi quốc gia vẫn không được tham gia thi quốc tế, nên đơn vị nắm bản quyền đành phải thay thế bằng những thí sinh top 3 những cuộc thi nhỏ trong nước. Từ đó có thể thấy chất lượng thí sinh không đảm bảo tính cạnh tranh,
“Vẫn giữ việc cấp phép nhưng Cục NT&BD không nên quy định danh hiệu (thuộc top 3 mới được đi thi quốc tế) dành cho thí sinh nữa, vì làm như vậy sẽ bị hạn chế việc đề cử những thí sinh phù hợp với cuộc thi quốc tế. Điều đó dẫn đến việc “xé rào” đi thi, khi thí sinh không nằm trong top 3 như quy định hiện nay”, bà Nga chia sẻ.
Giấy phép không còn ý nghĩa với các người đẹp
Bên cạnh những quan điểm cho rằng có thể giữ giấy phép và nới lỏng quy định danh hiệu của thí sinh, vẫn có ý kiến bày tỏ mong muốn sẽ hoàn toàn bỏ việc cấp giấy phép. Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, thực chất các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng chỉ đơn giản là cuộc thi của tư nhân tổ chức. Do đó, việc cấp phép là không cần thiết. Không chỉ vậy, việc quản lý các danh hiệu cũng không có nhiều ý nghĩa. Những người đoạt danh hiệu không nhiều người có đóng góp cho xã hội khi nhanh chóng kết hôn sau đó.
Tôi ủng hộ phương án bỏ hoàn toàn việc cấp phép cho người đẹp tham dự các cuộc thi quốc tế. Quy định hiện tại không phù hợp với nhu cầu thực tế vì 1 năm, Việt Nam chỉ cấp phép cho khoảng 3-4 cuộc thi hoa hậu nên chỉ có vài người có đủ điều kiện đi thi quốc tế. Trong khi đó, các cuộc thi nhan sắc quốc tế có hàng trăm cuộc, dẫn tới cung không đủ cầu. Bản thân chúng tôi muốn đưa thí sinh đi thi cũng hay phải chọn người cũ.
Tôi cho rằng, nên quản lý các đơn vị bảo lãnh đưa thí sinh đi thi, quy trách nhiệm cho đơn vị đó chứ không nên quản lý trực tiếp thí sinh. Ai là công dân Việt Nam, ai có đủ điều kiện với ban tổ chức đều có thể đi thi chứ không cần danh hiệu, nhưng một khi bước ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải có đơn vị bảo lãnh.
Ông Nguyễn Chiến Hữu, Giám đốc
công ty Helios Media (đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu trái đất)
Ở Việt Nam hiện tại, mọi người vẫn quan trọng danh hiệu của các cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Do đó, cần thay đổi nhận thức rằng danh hiệu không có ý nghĩa mà quan trọng là hình ảnh. Cá nhân người đoạt giải phải tự bảo vệ thanh danh của mình. “Chúng ta chỉ nên quản lý về hành vi, những ai có danh hiệu hay là người nổi tiếng mà vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục… thì sẽ có chế tài xử phạt thật nặng. Còn hoạt động của họ nên để tự do, và thực tế, chúng ta cũng không thể quản lý được”, luật sư Dũng nhận định.
Hoa hậu Dương Thùy Linh cũng bày tỏ sự đồng tình phương án bỏ hoàn toàn việc cấp giấy phép. Hoa hậu phụ nữ toàn thế giới 2018 cho rằng, các cuộc thi nhan sắc trong nước rất hạn chế với nhiều thí sinh khi Việt Nam không chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ, còn quốc tế chấp nhận điều này. Chưa hết, việc cấp phép đang tiến hành nhưng vẫn có nhiều người đi thi mà không xin giấy phép. Điều đó cho thấy giá trị của giấy phép không còn ý nghĩa với các thí sinh.
Hơn nữa, để có được giấy phép phải qua nhiều công đoạn mà chưa chắc đã chọn được đúng thí sinh. Chưa kể, cơ quan quản lý cũng không thể tước được vương miện của thí sinh. Và nếu đã không tác động được vào kết quả cuộc thi thì tôi cho rằng, tốt nhất nên bỏ việc cấp phép, tạo điều kiện cho họ chủ động đi thi.
“Hãy để mọi thứ xã hội hóa và xã hội tự đào thải. Hãy để những đơn vị mua bản quyền chịu trách nhiệm việc chọn người đi thi. Còn những cuộc thi không ai thiết mua bản quyền, không có uy tín truyền thông, báo chí cũng nên xem xét lại có nên đưa tin hay không”, hoa hậu Dương Thùy Linh thẳng thắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận