Hình ảnh được đánh giá là phản cảm trong phim “Bảy viên ngọc rồng” |
Phim hoạt hình bị chê phản cảm
Ngày 17/7, bộ phim hoạt hình Bảy viên ngọc rồng nổi tiếng của Nhật Bản bất ngờ bị ngừng chiếu trên sóng HTV3 và thay thế bằng phim Đôrêmon. Trả lời trên báo chí, một đại diện của HTV3 cho biết, phim bị cắt sóng vì không phù hợp với khán giả nhí. Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Nhật Bản và có khá nhiều yếu tố bạo lực cũng như sự khác biệt về văn hóa, Bảy viên ngọc rồng bị không ít người đánh giá, phim có quá nhiều cảnh không phù hợp với trẻ em.
Đơn cử, trong tập 1, nhân vật cậu bé Son Goku dùng gậy vén cao chiếc váy của nhân vật nữ để xem có đuôi hay không. Trong tập 2 của phim, Son Goku thức dậy vào sáng sớm bên cạnh nhân vật nữ ngủ hớ hênh lộ cả quần lót. Cậu bé liền nằm gối đầu lên phần bụng dưới của cô gái, sau đó sờ tay vào vùng kín của cô gái để “khám phá”. Chưa kể, phim còn có những lời thoại được đánh giá là không phù hợp như “Từ trước tới nay, mình chỉ thấy con trai có “đuôi” ở đằng trước”, “Đợi mọi người ngủ say, thì cái con nhỏ đó mình sẽ sờ đã đời luôn”… Trẻ em sẽ học được gì từ hình ảnh và những lời thoại như thế? Những điều ấy sẽ tác động tới tâm lý và nhận thức của con trẻ ra sao là băn khoăn của không ít khán giả lớn tuổi.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, phim vốn được gắn mác dành cho thiếu niên trên 14 tuổi. Thực tế, trước Bảy viên ngọc rồng, nhiều bộ phim hoạt hình khác cũng được nhập từ Nhật Bản như: Once Piece (HTV3), Hội pháp sư Fairy Tail (HTV3), Shin - Cậu bé bút chì (HTV2)… cũng vấp phải những phản hồi trái chiều liên quan đến nội dung và những hình ảnh trong phim. Không khó để bắt gặp những cảnh nhân vật mặc đồ gợi cảm, hở hang, những cảnh quay cận cảnh vào ngực nhân vật nữ... trong những bộ phim này. Chưa kể, các cảnh chém giết, nhân vật chiến đấu với nhau quyết liệt bằng các loại vũ khí trong Hội pháp sư Fairy Tail cũng khiến nhiều khán giả khó tính phải rùng mình.
Đây đều là những bộ phim được chuyển thể từ những bộ truyện tranh manga của Nhật Bản dành cho lứa tuổi thiếu niên, được dán nhãn 13+ hoặc 14+. Thế nhưng khi đưa về Việt Nam, không phải nhà đài nào cũng biên tập kỹ lưỡng để phim phù hợp với văn hóa của người Việt, cũng như lựa chọn khung giờ chiếu phù hợp cho đối tượng khán giả. Như Bảy viên ngọc rồng chiếu trong khung giờ 17h30, chỉ đến khi gây ra những tranh cãi, đài HTV3 mới tiếp tục biên tập lại nhiều nội dung phim để phù hợp hơn với khán giả Việt, đồng thời cho chạy dòng chữ cảnh báo bốn lần khi phát sóng mỗi tập.
Cần cân nhắc yếu tố giáo dục
Từ trước tới nay, phim hoạt hình luôn là món ăn tinh thần yêu thích của không chỉ trẻ em mà còn của cả người lớn. Thế nhưng ở Việt Nam, không phải phụ huynh nào cũng có kiến thức trong câu chuyện phim hoạt hình được dán nhãn. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, từ xưa đến nay, đa số người Việt vẫn luôn nghĩ phim hoạt hình là dành cho lứa tuổi nhi đồng. Bởi vậy, họ luôn có sự khắt khe về việc ăn mặc, lời ăn tiếng nói của con trẻ, cũng như những sản phẩm văn hóa nghệ thuật dành cho con em mình.
Tuy nhiên, ông Chất cho rằng, trong thời buổi hội nhập hiện nay, mọi người cần có sự thay đổi tư duy để hòa nhập với sự phát triển ở nước khác trên thế giới. Muốn xem hoạt hình nước ngoài, phải chấp nhận có những thứ văn hóa của mỗi nước. Thế nhưng, văn hóa phát cho trẻ nhỏ xem thì phải có chọn lọc, không thể tiếp nhận cả những cái xấu. Đồng thời, cũng không thể bắt các nhà đài phải chạy theo những tranh cãi của dư luận, nhưng nhà đài vẫn cần phải đưa ra những thông tin giáo dục cần thiết đối với khán giả nhỏ tuổi. “Các nhà đài, nhà quản lý cần phải biên tập, chọn lọc những tinh hoa, để làm sao những văn hóa trong các phim hoạt hình nước ngoài vẫn mang tính chất quan trọng nhất với thế hệ thiếu niên, đó là giáo dục”, ông Chất khẳng định.
Trong khi đó, là người có kinh nghiệm lâu năm trong làng phim hoạt hình, NSND - đạo diễn Hà Bắc nhìn nhận, với tình hình công nghệ số phát triển như hiện nay, sự quản lý và phát hành phim cũng phải có sự đổi mới. Khán giả cần nhìn nhận khách quan theo nhiều hướng khác nhau, không nên chỉ săm soi và đánh giá điều gì đó là phản cảm một cách phiến diện. Dù vậy, theo NSND - đạo diễn Hà Bắc, việc lựa chọn phim hoạt hình nào để phát sóng đều có sự tính toán của các nhà đài. Không phải nhà đài nào cũng có mục tiêu cao cả là làm công việc định hướng giáo dục, mà mục tiêu của họ là kinh tế và lợi nhuận. Ông giải thích, với phim hoạt hình Việt, đài truyền hình muốn phát sóng phải mua bản quyền gốc. Nhưng với những phim hoạt hình nước ngoài thường có những nhà tài trợ cùng hợp tác để chọn phim phù hợp rồi quảng cáo sản phẩm.
NSND - đạo diễn Hà Bắc nhận định: “Vấn đề ở đây chủ yếu là đạo đức xã hội và tâm lý thích làm giàu nhanh của các đài truyền hình. Nhưng tôi nghĩ, nếu chỉ cho một dạng phim thuần về giáo dục, ngây ngô về nghệ thuật thì cũng không hẳn là tốt. Thế nên, cứ để “trăm hoa đua nở” và phát triển tự nhiên theo quy luật đào thải chứ đừng nên áp đặt hay cấm đoán”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận