Tranh cãi sao kê tài khoản MC Trấn Thành
Vừa qua, hàng loạt vụ việc lùm xùm liên quan đến giới nghệ sỹ Việt quyên góp tiền từ thiện gây xôn xao dư luận. Đặc biệt, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin rò rỉ về bản "sao kê tài khoản" với số dư cực lớn (nhiều chục tỷ đồng), trong đó có những khoản tiền đến và đi ngoài mục đích từ thiện khiến cộng đồng không khỏi băn khoăn về tính minh bạch thu - chi tiền từ thiện của những nghệ sỹ này.
Điển hình như việc rò rỉ thông tin sao kê tài khoản giao dịch ngân hàng của danh hài Hoài Linh hơn 14 tỷ đồng; hay xôn xao thông tin sao kê tài khoản của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng lên đến 96 tỷ đồng; và mới nhất là thông tin về số tiền từ thiện MC Trấn Thành nhận được...
Trước những thông tin xôn xao đó, hôm nay (8/9), MC Trấn Thành đã quyết định công bố gần 1.000 trang sao kê tài khoản giao dịch ngân hàng của mình.
MC Trấn Thành thu hút dư luận khi công cố sao kê tài khoản ngân hàng
Tuy nhiên, phần thông tin sao kê tài khoản của Trấn Thành ngay lập tức gây tranh cãi. Cụ thể, rất nhiều ý kiến cho rằng bản sao kê của MC Trấn Thành nhàu, mực in đậm nhạt không thống nhất, chữ in lèm nhèm, dấu đóng không rõ nét, thông tin sao kê không đầy đủ... dẫn tới nghi vấn những sao kê này có đúng là phía ngân hàng cung cấp hay không?
Hay một số ý kiến chỉ ra khoảng trắng trong phần "số dư". Nhiều người cho rằng, sau mỗi giao dịch, số dư cuối kỳ sẽ được kê khai để khách hàng thuận tiện đối chiếu.
Trong khi đó, ở ảnh chụp các trang sao kê mà Trấn Thành đưa lên, có thể thấy cột "số dư" bị bỏ trống. Một số người thậm chí còn mang sao kê của chính Vietcombank ra để đối chiếu và chỉ ra nghi vấn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, các ngân hàng đều có các cách thức để sao kê tài khoản là trực tiếp tại phòng giao dịch ngân hàng, tại ATM hoặc sao kê trực tuyến trên máy tính hay điện thoại.
Các sao kê trực tuyến thường bị giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Hay sao kê qua tin nhắn ngân hàng cũng bị giới hạn trong phạm vi khoảng 5 giao dịch gần nhất. Do đó, còn tuỳ vào cách thức sao kê của MC Trấn Thành, thông tin hiển thị có thể khác nhau nên chưa thể kết luận như những "nghi vấn" đặt ra.
Với những sao kê đặc biệt như trường hợp của MC Trấn Thành, vị này khuyến nghị nên tới ngân hàng để thực hiện trực tiếp và yêu cầu được sao kê giao dịch chi tiết hơn. Nội dung sao kê có các thông tin cơ bản: Tên chủ tài khoản, số tài khoản, số dư đầu kỳ, ngày giờ giao dịch, loại tiền giao dịch, số tiền giao dịch, nội dung giao dịch, số dư cuối kỳ...
Phần số dư trống gây tranh cãi trong 1 trang sao kê do MC Trấn Thành công bố
Những ai được yêu cầu sao kê giao dịch ngân hàng?
Theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng phải giữ bí mật về thông tin định danh khách hàng (bao gồm họ tên, mẫu chữ ký, tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về giao dịch của khách hàng...).
Các ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khi có sự chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc theo thỏa thuận với khách hàng.
Một trường hợp nữa, ngân hàng chỉ cung cấp cho cá nhân, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật: Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, Viện kiểm soát nhân dân, toà án nhân dân các cấp, điều tra viên các cơ quan điều tra, đơn vị nghiệp vụ, cơ quan thi hành án, cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cá nhân cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký văn bản nhà nước.
Điều 14 luật Các tổ chức tín dụng, các NH nhìn chung có nghĩa vụ phải “bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng” và đồng thời “không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng cho tổ chức, cá nhân khác. Việc cung cấp thông tin của khách hàng chỉ được cho phép trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; hoặc được khách hàng chấp thuận”.
Do đó, bất cứ ai ngoài những trường hợp trên tự ý cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng của cá nhân hay tổ chức khác đều bị coi là hành vi trái pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm về pháp lý, thậm chí bị khởi tố hình sự.
Bên cạnh đó, Nghị định 88 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng quy định mức phạt từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Châu Huy Quang, Giám đốc Công ty luật Rajah & Tann LCT, trường hợp có bằng chứng chứng minh việc phát tán, tiết lộ thông tin tài khoản của khách hàng là do lỗi từ phía ngân hàng như lỗ hổng bảo mật, an ninh hay từ lý do quản lý, nhân sự thì ngân hàng có thể phải chịu mức phạt tiền gấp đôi mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận