Kinh tế

Tranh cãi về tiền ảo vẫn chưa ngã ngũ

31/01/2018, 07:15

Tới thời điểm này, bitcoin và một số đồng tiền ảo khác vẫn chưa được định danh và công nhận tại Việt Nam.

14

Một số chuyên gia cho rằng, không nên coi bicoin là tiền

Bitcoin không phải là tiền

Tại buổi tọa đàm về Công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) và tiền điện tử, ngày 30/1, nhà sáng lập cộng đồng bitcoin Việt Nam Lê Huy Hòa cho rằng, bitcoin không phải là tiền. “Nếu là tiền thì phải do Chính phủ phát hành”, ông Hòa nói.

Tương tư, ông Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt vấn đề: Yếu tố rất quan trọng của tiền tệ là được ai phát hành, lưu hành như thế nào, đổi được bao nhiêu hàng hóa cụ thể? Qua đây, ông Tuấn đề nghị không nên gọi bitcoin là “tiền ảo” mà nên gọi là “tiền mã hóa” hay “tiền mật mã”. Đánh giá về diễn biến giá bitcoin gần đây, TS. Đặng Anh Tuấn cho rằng, đồng tiền này hiện đã vượt xa những bong bóng tài chính khác cộng lại bởi giá của nó biến động khôn lường trong năm qua. “Chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, giá bitcoin tăng hơn 20 lần, nhưng ngay sau đó lại giảm gần một nửa. Vì vậy, đầu tư vào đồng tiền mã hóa rất rủi ro”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với báo chí về tiền ảo mới đây, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tiền mã hóa và blockchain sẽ thay đổi thế giới. Ông Thành cho biết, Việt Nam đang rầm rộ gia nhập vào thế giới tiền mã hóa. Chúng ta có những nhóm công nghệ rất mạnh, có thể đưa ra các thuật toán. Do đó, chuyên gia này nhận định Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội này để bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp mới. Do đó, nếu cấm Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được.

Cho tới thời điểm này, bitcoin cũng như một số loại tiền ảo vẫn chưa được định danh và được công nhận tại Việt Nam, song Trưởng khoa Luật (Đại học Kinh tế Quốc dân) Trần Văn Nam lưu ý về sự quan tâm của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng khung pháp lý để quản lý và xử lý tiền ảo và các tài sản ảo. “Khung pháp lý này do Bộ Tư pháp và một số đơn vị phối hợp xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay”, ông Nam thông tin.

Tháng 12 trình Chính phủ pháp luật về tiền ảo

Liên quan tới pháp luật về tiền ảo, trong buổi họp báo quý IV/2017 của Bộ Tư pháp vừa tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo và tiền ảo. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, qua quá trình rà soát vừa qua, tiền ảo bitcoin và các loại tiền ảo khác hiện nay có tác động đến hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy, hoạt động của tội phạm. Ngoài ra, tiền ảo còn liên quan đến an ninh tiền tệ và các giao dịch thanh toán khác. “Bộ Tư pháp đang trong quá trình xây dựng hồ sơ quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Tháng 12 năm nay, Bộ Tư pháp sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ để xem xét”, ông Hải thông tin. Dự kiến đến năm 2020, Bộ này cũng sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử.

Công ty chứng khoán không môi giới, tư vấn, giao dịch tiền ảo

Trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm cryptocurrency, crowdfunding, ICO, blockchain…, UBCK yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán không tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số cũng như các sản phẩm công nghệ tài chính khác và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là giao dịch tiền ảo là ẩn danh, là công cụ của nhiều tội phạm trốn thuế, giao dịch thanh toán; tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu rất cao, khó xử lý nếu xảy ra tranh chấp... đại diện Bộ Tư pháp cũng cảnh báo người dân khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Trong thông báo phát đi gần đây nhất, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng cảnh báo nhà đầu tư bỏ tiền vào tiền ảo. UBCK cho biết, hiện nay, một số công ty trên thị trường có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác như quỹ cộng đồng (crowdfunding), nền tảng cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), công nghệ chuỗi khối (blockchain)... UBCK cho biết, đây là sản phẩm mới chưa được pháp luật điều chỉnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cơ quan này khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sản phẩm mới trên để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.