Lối lên đường cao tốc trên cao từ đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội có mật độ giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm nên các xe chuyển về bến xe Yên Nghĩa chạy qua đây làm tình trạng thêm trầm trọng. Ảnh: Ngô Vinh |
Việc Hà Nội sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng xe chạy xuyên tâm, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc. Tuy nhiên, phương án của Sở GTVT Hà Nội điều chuyển một số nốt xe từ Bến xe (BX) Lương Yên về BX Yên Nghĩa khiến không ít người ngạc nhiên vì nó đi ngược với chủ trương BX hướng nào đi về bến hướng đó.
Đi ngược chủ trương tránh xuyên tâm
Trong bản quy hoạch Hà Nội xây dựng và được Bộ GTVT phê duyệt đưa vào quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã định rõ chủ trương nhất quán: Phương tiện từ hướng nào sẽ về BX ở hướng đó theo các trục Đông - Tây - Nam - Bắc. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất mà Sở GTVT gửi đến các DN vận tải đang hoạt động tại BX Lương Yên, sẽ có 51 nốt xe (đi các địa phương như: Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng...) đang hoạt động tại đây chuyển sang BX Yên Nghĩa.
Tức là sẽ chạy từ hướng Đông sang hướng Tây theo hướng cầu Thanh Trì - Vành đai 3 - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi về BX Yên Nghĩa. Trong tổng số 51 nốt xe này, có tới 43 nốt chạy từ BX Niệm Nghĩa (Hải Phòng) về BX Yên Nghĩa (phía Tây Hà Nội). Điều đáng nói là tuyến Niệm Nghĩa - Yên Nghĩa cũng chưa hề có trong các bản quy hoạch nói trên.
Khi nhận được kế hoạch này, nhiều DN vận tải, các Sở GTVT có liên quan đã tỏ ra ngạc nhiên. Tại Văn bản số 1357/SGTVT-QLVT (gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hà Nội), Sở GTVT Hải Phòng cho rằng, việc cho phép các xe từ Hải Phòng từ Lương Yên về Yên Nghĩa sẽ tạo ra tình trạng chạy xuyên tâm qua TP Hà Nội; không chỉ làm tăng phương tiện qua nội đô Hà Nội, mà còn gây thêm phức tạp cho tuyến vận tải Hải Phòng - Hà Nội vốn đã có quá nhiều vấn đề.
Hiện tuyến vận tải khách cố định Hải Phòng - Hà Nội có 14 đơn vị hoạt động với 264 xe, khai thác 388 chuyến/ngày. Trong đó, tuyến từ các BX thuộc Hải Phòng đi BX Lương Yên là 95 chuyến/ngày, đi BX Yên Nghĩa là 95 chuyến/ngày, đi BX Gia Lâm là 145 chuyến/ngày. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, một số các DN vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng đề xuất nên giữ nguyên các xe đang hoạt động tại BX Yên Nghĩa và chỉ bổ sung những xe đăng ký mới.
Từ đó, Sở GTVT Hải Phòng kiến nghị nên sắp xếp, điều chỉnh nguyên trạng các tuyến vận tải khách cố định từ Hải Phòng đi BX Lương Yên về BX Nước Ngầm hoặc một BX khách khác đủ năng lực và điều kiện tiếp nhận. Trên cơ sở, tại bến xe tiếp nhận hiện tại không có phương tiện đang khai thác tuyến vận tải khách cố định từ Hải Phòng - Hà Nội.
Liệu có vội vã?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, việc giải tỏa BX Lương Yên vào thời điểm này cũng là bất khả kháng, rất nhanh và đột ngột. Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án mời các DN, hiệp hội và các Sở họp bàn thống nhất phương án để báo cáo TP, Bộ GTVT và cũng được các DN hoạt động tại BX thống nhất. Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang đôn đốc DN khẩn trương ký hợp đồng để làm sao chậm nhất đến ngày 31/7 chuyển xong.
Theo các DN vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng, việc tăng tần suất tuyến Hải Phòng - Hà Nội về BX Yên Nghĩa không chỉ làm gia tăng tình hình phức tạp trên tuyến mà còn có nguy cơ gây ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện trên tuyến này vừa được bổ sung thêm 55 chuyến. |
Tuy nhiên, nhiều DN, Hiệp hội vận tải và Sở GTVT cho biết, việc sắp xếp điều chuyển phương tiện từ BX Lương Yên là cần thiết sau khi BX này đóng cửa để tránh ùn tắc giao thông, nhưng đến trước thời điểm ra quyết định này họ chưa được tham dự cuộc họp nào để thống nhất điều chuyển phương tiện từ BX Lương Yên đi các BX khác. Việc điều chuyển một số xe từ BX Lương Yên sang BX Yên Nghĩa chứ không phải BX Nước Ngầm hoặc các BX khác ở phía Đông chẳng khác nào tiếp tục cho xe chạy xuyên tâm, trái với mục tiêu mà bản quy hoạch đã được ban hành.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, nếu điều chuyển các phương tiện từ BX Lương Yên về BX Nước Ngầm hoặc các bến khác ở phía Đông sẽ hiệu quả hơn bởi từ trước tới nay các DN hoạt động tại BX Lương Yên phần lớn phục vụ nhu cầu và thói quen đi lại của hành khách ở khu vực phía Đông, trong khi BX Yên Nghĩa lại ở phía Tây không hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận