Nhiều người cho rằng, bố mẹ Linh thu thập chữ ký để gây áp lực dư luận khiến Tòa án áp dụng khung phạt tử hình cho kẻ thủ ác là cần thiết. |
Gia đình bé Linh mong muốn mọi người cho chữ ký để yêu cầu áp dụng tử hình nghi phạm Shibuya Takamasa. Tại sao có lá thư kêu gọi này? Ngày 24/3/2017, Nhật Linh mất tích khi đi học. Hai ngày sau, thi thể cháu được phát hiện không quần áo ở một bờ kênh cách đó 10 km. Ngày 4/4, cảnh sát Nhật bắt nghi phạm là Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh nơi bé Linh theo học. Đến nay, nghi phạm vẫn im lặng, không thừa nhận hành vi khiến vụ án kéo dài.
Trong lời kêu gọi của mình, bố mẹ cháu Linh viết: “Gia đình rất đau buồn và căm phẫn với kẻ đê hèn này. Gia đình kêu gọi mọi người lên tiếng thật nhiều để kẻ phạm tội không còn cơ hội lặp lại điều tương tự như vậy”.
Hiện cảnh sát mới có được bằng chứng nghi phạm dính líu đến việc bắt cóc và phi tang thi thể cháu bé, còn chứng cứ sát hại thì chưa. Nghi phạm tận dụng “quyền im lặng”, không khai báo cũng như không thừa nhận hành vi này nên cảnh sát phải tiếp tục tìm bằng chứng.
Nhiều người cho rằng, bố mẹ Linh thu thập chữ ký để gây áp lực dư luận khiến Tòa án áp dụng khung phạt tử hình cho kẻ thủ ác là cần thiết. Chia sẻ với nỗi đau khủng khiếp của gia đình Linh, nhiều người đã dành thời gian và thúc giục bạn bè cùng ký tên ủng hộ.
Nhưng nhiều người khác lại cho rằng không nên làm việc này, bởi họ tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật Nhật Bản. Việc vận động lấy chữ ký để gây áp lực lên phán quyết của tòa án là một việc làm cảm tính, thậm chí có thể khiến người Nhật có suy nghĩ khác về người Việt Nam.
Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, có thể thấy rất nhiều người đang thực sự bị cảm tính cuốn đi mà không tìm hiểu rõ về sự việc. Thương cảm và muốn chia sẻ với gia đình bé Linh là cảm xúc chung của nhiều người nhưng đặt bút ký mà không đủ thông tin cũng là tình trạng phổ biến.
Trong việc này, xin nói cho rõ, chữ ký của chúng ta (nếu có) không phải để gây áp lực đẩy nhanh tiến trình vụ án, chỉ là bày tỏ quan điểm để nếu được, tòa án xem xét mức án cao nhất đủ sức răn đe. Ở Nhật, việc này đã từng xảy ra và được dư luận ủng hộ, coi đây là việc làm chính đáng. Không nên vì thiếu thông tin và sự cảm thông mà chúng ta buông lời cay nghiệt chỉ trích lẫn nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận