Tọa đàm trực tuyến: Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân |
Sáng nay, 24/3/2017, Báo Giao thông tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” với sự tham gia của các khách mời là lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, TP.HCM, Công an Hà Nội, chính quyền địa phương và một số chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giao thông đô thị.
Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết: Câu chuyện vỉa hè đang trở thành tâm điểm của đời sống đô thị tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Chính quyền hai địa phương đã có động thái quyết liệt giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người đi bộ, chỉnh trang bộ mặt đường phố. Điều đáng mừng là lần này, sự quyết liệt của chính quyền nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân. Điều này cho thấy, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm làm đến cùng, thì câu chuyện vỉa hè vốn là bài toán nan giải hàng chục năm qua sẽ được giải quyết. Từ bài học này chúng ta có thể triển khai thành công những vấn đề khác, như chống ùn tắc, xây dựng môi trường giao thông, trật tự đô thị văn minh hơn.
Tại tọa đàm, các khách mời đã trao đổi về sự cần thiết phải tổ chức lại việc sử dụng vỉa hè, cần làm gì để chống ùn tắc, trách nhiệm công dân trong những "chiến dịch lớn" này và trả lời trực tiếp các câu hỏi nóng của báo chí, độc giả.
Các khách mời tham dự Tọa đàm: Ông Khuất Việt Hùng-Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT); Ông Lê Đức Việt - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT); Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT; Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội; Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng - Sở GTVT TPHCM; Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội; Thiếu tá Vũ Minh Hoài – đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội; Chuyên gia độc lập Lương Hoài Nam; ông Nguyễn Mạnh Thắng - đại diện diễn đàn Otofun...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm |
Dẹp vỉa hè: Dân ủng hộ nhưng cần phải công bằng
Dẹp vỉa hè đang là câu chuyện nóng bỏng, bởi nó không đơn giản là chiến dịch trả lại phần đường cho người đi bộ mà còn thể hiện quyết tâm của chính quyền lập lại trật tự đô thị. Ông có theo dõi diễn biến của chiến dịch này qua các phương tiện truyền thông? Ông có thể đánh giá những cái được và chưa được của chiến dịch, cho đến thời điểm này?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia: Tôi khẳng định, việc lập lại trật tự vỉa hè đã được quy định trong các quy định của pháp luật. Chức năng của vỉa hè, của lòng đường, sử dụng phần diện tích này cho các hoạt động giao thông và phi giao thông (thuộc thẩm quyền của địa phương) như thế nào đều được quy định rõ.
Trong thông báo kết luận đầu tiên khi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đảm nhận cương vị Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè ở các đô thị được xem là một trong những giải pháp quan trọng để chống ùn tắc giao thông. Liên tục cho đến nay, những chỉ đạo liên quan đến việc này được Uỷ ban ATGT Quốc gia và sau này được trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo xuyên suốt.
Với chiến dịch này, chúng tôi đánh giá cao quá trình chuẩn bị của các địa phương. Nếu chúng ta nhìn nhận khách quan, hầu như các tuyến phố trung tâm của Hà Nội đều đã được kẻ vạch sơn, sắp xếp chỗ nào đậu xe, chỗ nào không cho đậu… từ cuối năm 2016. Tất nhiên, khi chúng ta đồng loạt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, khi lãnh đạo TP.HCM trực tiếp chỉ đạo, họp với hơn 300 bí thư phường của Thành phố để quán triệt, xác định việc lập lại trật tự vỉa hè là một giải pháp thường xuyên, quyết liệt để chống ùn tắc giao thông và đảm bảo ATGT thì đã tạo ra một chuyển biến mới. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm này.
Trong việc này, nhiều người thích câu nói việc làm này phải “có tình có lý" - một câu nói rất Việt Nam, nhưng tôi cho rằng phải nói ngược lại “có lý có tình”. “Lý” chính là pháp luật, là thoả thuận, cam kết của hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong việc thực hiện hành vi bảo vệ chức năng giao thông của vỉa hè, và cái “tình” quan trọng nhất là làm sao giữ được cam kết ấy để bảo vệ được đại đa số quyền lợi của người dân.
Không thể vì vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu người dân. Cái tình ở đây cần phải hiểu cho đúng.
Có lẽ lần này, nhu cầu lập lại trật tự vỉa hè đang thực sự đi vào đời sống của nhân dân.
Bản thân tôi là người trực tiếp chạy bộ ở những tuyến phố khó khăn nhất về vỉa hè như: Đội Cấn,Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng... sau 4 ngày Hà Nội ra quân, tôi thấy không khí phấn khởi trong người dân, thậm chí hầu hết những người bị đập bậc tam cấp của nhà mình cũng đều ủng hộ, chỉ có điều họ mong muốn phải công bằng. Và đây là việc chúng ta phải làm.
|
Sử dụng vỉa hè vào mục đích khác: Phải được chính quyền địa phương cấp phép
Đa số người dân ủng hộ chính quyền dẹp lấn chiếm vỉa hè nhưng vẫn còn có ý kiến cho rằng, các gia đình có nhà mặt tiền được toàn quyền sử dụng vỉa hè trước cửa. Điều này có đúng không?Quyền được sử dụng vỉa hè của những người có nhà mặt đường như thế nào? Pháp luật quy định sử dụng vỉa hè ra sao thưa ông?
Ông Lê Đức Việt, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT): Quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè đã thể hiện rõ trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008: Đường phố gồm lòng đường và hè phố; lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng trong mục đích giao thông. Trường hợp đặc biệt có thể sử dụng vào mục đích khác, do chính quyền địa phương cấp phép nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.
Vì vậy, viêc đổ rác, phế liệu không đúng quy định, xây đặt bục bệ khác… là vi phạm quy định của Luật GTĐB. Các hành vi buôn bán, kinh doanh trên hè phố bị cấm nên những nhà ở vị trí mặt tiền phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ.
Sự cần thiết tổ chức lại trật tự vỉa hè hiện nay đã được đặt ra ở mức cấp thiết.
Để người dân ký hợp đồng thuê vỉa hè và tự quản lý
Ý kiến của ông Lương Hoài Nam như thế nào khi hoạt động lập lại trật tự vỉa hè động chạm đến phần đường không chỉ dành cho người dân sinh hoạt mà thậm chí là sinh kế của họ?
|
Chuyên gia độc lập Lương Hoài Nam: Tôi là một người ủng hộ quản lý trật tự giao thông đô thị. Tuy nhiên qua ý kiến của các cơ quan chức năng, tôi cũng có một vài trăn trở.
Bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện như thế? Nguyên nhân cơ bản là do đây là hành vi chiếm dụng của công thành của tư. Như cha ông ta thường nói: “Đất có thổ công, sông có hà bá”.
Về pháp luật, “thổ công” ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” bị đánh tráo, thổ công là những “ông khác”. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Bí thư TP. Hồ Chí Minh cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng bảo kê cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn.
Như chúng ta đã biết, giá trị đất mặt phố từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có nơi lên tới hàng tỷ đồng/m2. Với giá trị khủng như vậy, khi cơ quan quản lý buông lỏng, sẽ có ai đó sẵn sàng lấn chiếm, và có lực lượng bảo kê. Mặt khác, cần phải nói pháp luật cũng có sự cực đoan nhất định, cái chính phải gỡ yếu tố cực đoan này. Từ người quản lý tới người dân đều nói: Vỉa hè là phần dành cho người đi bộ. Không đúng, ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác. Ở nhiều nơi, trên vỉa hè còn có hoạt động thương mại dịch vụ, mô hình nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả… Những công năng này nên được pháp luật quy định. Hiện nay, Điều 35 Luật GTĐB chỉ quy định công năng vỉa hè dành cho người đi bộ. Chính vì thế, không ai có quyền quy hoạch vỉa hè, không ai có quyền ban hành quy định cho thuê sử dụng vỉa hè.
Tôi đề xuất, cần thiết thì sửa đổi Luật, cho phép người dân thuê vỉa hè (mức tiền thế nào thì địa phương quyết định, với các hộ chính sách, hộ nghèo, có thể là 0 đồng, 10 đồng hay bao nhiêu đó). Nhưng người dân chỉ trả một lần và không phải mất phí cho bất kỳ ai khác. Và họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định.
Ông Khuất Việt Hùng phản biện: Tôi khẳng định, việc sử dụng vỉa hè cho mục đích phi giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên. Còn việc này được giao cho chính quyền địa phương tổ chức cho phù hợp, tôi hay các anh ngồi đây và mọi người đều thích ngồi uống cafe vỉa hè mà không ảnh hưởng đến người đi bộ. Điều đó hoàn toàn hợp pháp. Nếu nói luật pháp của ta cực đoan quá thì không phải.
Không làm rốt ráo, mọi chuyện lại như cũ
Ông Lương Hoài Nam tiếp lời: Vậy thì cần hiểu đúng quy định pháp luật, cần truyền thông tốt hơn nữa tới người dân: "Vỉa hè có công năng chính dành cho người đi bộ, ngoài ra, nơi nào có thể, địa phương quyết định bố trí không gian phục vụ cho những công năng khác nữa. Trách nhiệm của của nhà làm luật phải quy hoạch những công năng đó trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương".
Ví dụ như tại Hà Nội, chúng ta đều biết tới những đường kẻ vạch thẳng với bề ngang 2m. Liệu có phải chủ nhà được quyền sử dụng 2m đó hay không? Không đúng, đó vẫn là đất công, nếu có nhu cầu sử dụng, có thể thuê lại 2m. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, vỉa hè ngoài công năng chính là đi bộ, cần phải được hành chính hóa phù hợp với điều kiện từng địa phương. Nếu đã có luật phải mở rộng hành lang pháp lý theo hướng đưa ra quy chế: cho thuê sử dụng vỉa hè. Nếu không làm theo hướng này, chỉ sau mấy tháng dẹp loạn, vỉa hè sẽ quay lại như cũ.
Nói rộng hơn nữa, việc giải quyết vỉa hè bị lấn chiếm liên quan tới 2 cụm vấn đề: Một là, nền kinh tế vỉa hè bao gồm kinh tế mặt tiền và kinh tế hàng rong; Hai là kết cấu giao thông vận tải. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè, không thay đổi kết cấu giao thông, giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng thì không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Vỉa hè vẫn sẽ vắng bóng người đi bộ.
Vỉa hè thuộc nhà nước, người dân chỉ được giao quyền tạm sử dụng
|
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM):
Theo Luật GTĐB, TP.HCM đã ban hành Quyết định 74/2008 quy định cụ thể việc triển khai sử dụng lòng đường. Quy định này đã đưa ra 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè. Cụ thể: Sử dụng vỉa hè cho hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; Hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; Phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; Buôn bán hàng hoá; Hoạt động xã hội; Để xe tự quản trước nhà….
Tuỳ từng trường hợp sẽ có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè là ưu tiên nhất là dành cho người đi bộ.
Về phạm vi sử dụng vỉa hè, vỉa hè có diện tích trên 3m tính từ mép nhà trở ra và cần đảm bảo ngăn nắp sử dụng hợp lý. Công việc này được giao cho UBND các quận huyện quản lý và sử dụng.
Trên cơ sở đề xuất của các quận huyện, năm 2009 UBND TP cũng ban hành danh sách các tuyến đường nào được sử dụng để kinh doanh buôn bán, được đậu xe, được để xe tự quản trước nhà. UBND quận, huyện được kẻ vạch, và quản lý, sử dụng tạm thời. Đối với kinh doanh buôn bán không thu phí, chỉ thu phí khi giữ xe công cộng.
Tôi xin nhấn mạnh, vỉa hè vẫn thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước, các đơn vị chỉ tạm sử dụng.
Nhiều người không hiểu phần từ vạch trắng được kẻ trên vỉa hè đến trước cửa nhà dân là của ai, người dân có quyền bán hàng trong phạm vi đó không?
Ông Ngô Hải Đường: Đường nào cho phép kinh doanh thì mới được sử dụng. Còn đường nào chỉ cho phép tạm giữ xe thì chỉ được để xe của họ thôi. Cái này UBND TP.HCM đã có những quy định cụ thể cho từng tuyến đường.
TS. Lương Hoài Nam: Với tư cách một công dân đồng sở hữu vỉa hè, tôi không đồng ý để chính quyền tạm giao mà lại không thu phí cho ai đó. Bởi đó là của công, một phần sở hữu của tôi. Anh ở nhà mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với địa phương, trả khoản phí nhất định. Tôi đề nghị làm theo thủ tục hành chính có kẻ ô có thu phí. Hãy làm như thế mới giải quyết tận gốc.
Quyền được đỗ xe hay không là do chủ nhà có mặt tiền quyết định. Nếu anh có nhu cầu thì làm đơn ra chính quyền giải quyết. Để quản lý tốt, mỗi khu đất sử dụng phi giao thông phải có hợp đồng giữa hai bên: chính quyền-người dân, mới có thể quản lý được. Nếu không chắc chắn sẽ thất bại.
Hà Nội: Cân nhắc việc để xe phía trong hay phía ngoài vỉa hè
Hà Nội đã xử lý việc kẻ vạch trắng giới hạn quyền sử dụng vỉa hè trước cửa nhà của người dân như thế nào, thưa ông?
|
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội:
Trước khi trả lời câu hỏi về vấn đề kẻ vạch vôi, tôi xin nói rộng hơn. Việc đảm bảo ATGT, duy trì công tác ATGT gắn với quản lý lòng đường, vỉa hè thực ra là câu chuyện chúng ta đã làm rất nhiều năm nay.
Từ năm 1995 đã có Nghị định 36 của Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT, các tỉnh, thành phố đã thực hiện. Một trong những vấn đề tôi nhận thấy là vẫn còn mâu thuẫn chính là ngay trong bản thân Nghị định 36 cũng có những vấn đề chưa thấu đáo nên việc triển khai chưa được thực hiện thường xuyên.
Tôi xin nêu lại, trong Nghị định 36 của Chính phủ này quy định rõ 5 nhiệm vụ quyền hạn của các tỉnh, thành phố trong việc đảm bảo trật tự ATGT.
Thứ nhất là chỉ đạo bằng mọi biện pháp giữ trật tự, lập lại trật tự kỷ cương an toàn giao thông trên địa phương của mình. Thứ hai là giải toả lòng đường vỉa hè bị chiếm dụng, phải đảm bảo vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho các phương tiện giao thông, xe cơ giới. Trong Mục 2 điều 14 quy định việc sử dụng một phần đường phố để bán hàng hoá nhưng được không được ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Thứ ba, phải đảm bảo phối hợp với Bộ GTVT đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông. Thứ tư là chỉ đạo Uỷ ban cấp dưới có kế hoạch sắp xếp họp chợ và những nơi kinh doanh cho nhân dân. Nhưng phải đảm bảo trật tự ATGT. Và điều thứ 5 là điều chốt nhưng lại là điều có mâu thuẫn với các điều trên.
Mục 5 điều 14 có ghi “nghiêm cấm cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dưới mọi hình thức". Bên trên cho phép sử dụng một phần để kinh doanh buôn bán nhưng dưới lại cấm nên đang có vấn đề chưa thống nhất.
Nghị định 36 nghiêm cấm mọi hình thức cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng lại được phép sắp xếp một phần vỉa hè, lòng đường ở những nơi thích hợp để kinh doanh, buôn bán, đảm bảo đời sống nhân dân, nhưng không ảnh hưởng đến ATGT.
Những mâu thuẫn này cần sớm được sửa đổi.
Về câu hỏi kẻ vạch trắng, tại sao Hà Nội kẻ vạch trắng? Tôi xin trả lời là thành phố nào cũng cần đảm bảo giao thông tĩnh. Vậy giao thông tĩnh ở đâu? Chúng ta đang quan tâm đến giao thông động nhiều hơn. Vỉa hè là vừa là giao thông động nhưng cũng vừa là giao thông tĩnh. Hiện nay, Hà Nội và các tỉnh thành phố khác cũng đang sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè làm nơi bố trí giao thông tĩnh, làm nơi đô ô tô và xe máy.
TP. Hà Nội có quyết định số 15 quy định sử dụng hè phố theo Luật GTĐB. Chúng ta vẫn phải sử dụng một phần lòng đường vỉa hè cho mục đích giao thông tĩnh. Điểm nào được cấp phép, có thể kinh doanh, đỗ xe và thu phí theo quy định, còn những tuyến đường không tổ chức kinh doanh thì để dân tự sắp xếp phương tiện giao thông.
Theo quy định thống nhất, vỉa hè tính từ sát mép tường trở ra có quy định kẻ vạch đến đó để hướng dẫn nhân dân để xe máy cho ngay ngắn. Hiện nay có 11 quận đã thực hiện theo quy định hướng dẫn để xe vào bên trong sát với tường, riêng quận Hoàn Kiếm đang xin để xe phía ngoài vỉa hè để dân tham gia giao thông bên trong, tiếp cận được với các cửa hàng kinh doanh mặt phố để kinh doanh thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thành phố đang chỉ đạo đẩy vào trong, nhằm hạn chế người dân để hàng hóa, bán quán lấn chiếm phần đường cho người đi bộ.
Dẹp vỉa hè không mới, cái khó là duy trì thế nào!
Không phải bây giờ chúng ta mới làm việc này, một số tỉnh, thành phố đã làm từ lâu, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là cơ chế duy trì.
Nguyên lý là cơ sở kiến trúc thượng tầng phải phù hợp với cơ sở hạ tầng, chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, hiện nay chúng ta đang tập trung phát triển công nghệ cao, nhưng thực tế có những cái đang hết sức thô sơ, ví dụ bán hàng rong.
Trên vỉa hè cũng thế, có nhiều người đang kinh doanh, làm giàu trên vỉa hè, nhưng cũng có nhiều người mưu sinh nhờ vỉa hè. Có nhiều đối tượng khác nhau nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc.
Chính quyền nào quán triệt được tinh thần làm việc do dân, của dân và vì dân thì các cách làm và biện pháp duy trì của chúng ta đều thực hiện đúng quy định của pháp luật và hợp với lòng dân, đảm bảo kết quả bền vững.
Ông Khuất Việt Hùng: Liên quan đến ý kiến của anh Viện (Giám đốc Sở GTVT Hà Nội), tôi cho rằng, Nghị định 36 có từ lâu rồi, khi dẫn chiếu quy định về thu phí, thì Luật Phí và lệ phí mới cho phép thu phí ở một số vị trí vỉa hè, lòng đường hợp pháp nên chúng ta không cần lo về quy định cấm trong Nghị định 36. Vấn đề là chính quyền địa phương tổ chức thu phí thế nào cho phù hợp với đặc điểm từng nơi.
Nếu như chúng ta thực sự quan tâm đến việc đi bộ sao cho phù hợp, tôi cho rằng nên để xe phía ngoài hơn là để xe từ mép tường ra, vì nếu xe để ở phía trong, người đi bộ bị đẩy ra sát lề đường, và suốt ngày... đâm vào gốc cây.
Tôi cho rằng, để xe ở ngoài, đi bộ ở trong là hợp lý và khi đó việc đập tam cấp lấn chiếm sẽ tạo thêm khoảng trống cho người đi bộ.
Ngoài ra, để xe sát mép ngoài cũng ngăn chặn được phần nào việc xe máy leo lên vỉa hè, tranh đường với người đi bộ.
Để xe phía trong hay bên phía ngoài vỉa hè: Không nên cứng nhắc
Ông Lê Đức Việt: Chúng ta đang lập lại trật tự trên vỉa hè, tuy nhiên cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc: xe máy phải quay đầu vào bên trong. Quy định linh hoạt tùy theo từng tuyến phố, lấy mục tiêu trung tâm là người đi bộ và giao thông tĩnh. Đối với vỉa hè trên dưới 3m, kèm hàng cây bên ngoài mà bắt quay xe vào trong thì không hợp lý. Tôi cho rằng, tùy theo đặc điểm tuyến phố, nên giao cho từng địa phương tính toán cân nhắc như thế nào để thuận lợi nhất cho người đi bộ và đảm bảo giao thông tĩnh.
"Người dân cần nhất sự rõ ràng, công bằng"
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn Otofun: Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Khuất Việt Hùng. Với vai trò người dân, tôi cũng đồng tình với một phần ý kiến anh Nam vì tôi nghĩ là cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại ắt có một phần cơ sở hợp lý. Cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu rõ ràng. Tôi là người dân tôi cần nhất sự rõ ràng, công bằng.
|
Như tại nơi tôi sống, một ngày bỗng có công ty khai thác điểm đỗ xe đến kẻ vạch, cắm biển. Tôi đề nghị đơn vị đó cho xem giấy phép thì thấy Sở GTVT đồng ý cho điểm đỗ này khai thác 1,8m x 20m lòng đường, tương ứng khoảng 4 chỗ đỗ ô tô, trong khi đơn vị này khai thác cả tuyến phố dài 1,5km, gồm cả hai bên, có thể đỗ tới 200 ô tô. Vậy tôi hỏi, ở đây có hay không sự tư lợi cá nhân, Sở GTVT có biết không? Tôi hỏi lần hai thì các anh ấy đưa công văn nữa và tiêu chuẩn 24 xe nhưng vẫn sử dụng cả 1,5 km đường gồm cả hai bên ấy, khi có người dân phản ứng thì lập tức có đối tượng xăm trổ ra nói thế này thế kia.
Nếu vỉa hè là không gian chung thì anh Nam nói có một số đối tượng mang xe tới để trước mặt, thu tiền bảo kê, lúc đó người dân có bức xúc hay không? Ở đây chính quyền sở tại phải quản lý. Nhu cầu vỉa hè của người dân sống ở đó phải ưu tiên trước. Nếu cho thuê thì phải quy định chặt chẽ. Nếu chỉ để người dân để xe thì đơn giản, đây còn bán nước, bán café và các mối quan hệ tương tác với dịch vụ ấy không hề đơn giản, thể nào cũng tái lấn chiếm…
Tôi nghĩ, cách làm các anh các chị sẽ nghĩ ra hết, chỉ là vấn đề thực hiện thế nào công bằng, hợp lý, có lý có tình.
Chúng ta hãy giải quyết từ việc nhỏ nhất, bởi xử lý ùn tắc giao thông rất tốn tiền. Nếu có tiền làm đồng bộ thì dễ, chỉ cần hạ tầng nâng cấp là giải quyết được vấn đề. Nhưng chúng ta không có tiền làm thì cần tối ưu hóa những cái đã có, đó chính là việc nâng cao ý thức người dân. Chúng tôi sẵn sàng nâng cao ý thức của mình nhưng các anh phải tối ưu hóa hạ tầng bằng việc cắm biển báo chuẩn, lòng dường hướng dẫn chuẩn, tối ưu nhịp đèn tín hiệu, phân luồng giao thông tốt, lúc ấy mới giảm được tắc đường...
1 số nhà có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè cho ai?
Ông Vũ Văn Viện: Để trả lời ý kiến của anh Thắng, anh Nam, tôi cho rằng, nếu cho thuê hết vỉa hè cho nhà mặt phố, thì nhu cầu để xe không chỉ dành cho nhà mặt phố, mà đó là nhu cầu chung. Nếu cá thể hoá trách nhiệm lại không phải cái chung. Thực ra, trên 1 tuyến phố, 1 biển số nhà cùng 1 mặt phố có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè đó cho ai? Sử dụng chung thì về nguyên tắc không đúng. Thực tế trên 1 số tuyến mới quy định được chỗ đỗ. Về nguyên tắc mình phải hài hòa lợi ích chung. Trên từng tuyến phố phải bố trí đỗ xe phù hợp mới đảm bảo bền vững.
TS. Lương Hoài Nam trao đổi lại: Quyền được đỗ xe hay không là do chủ nhà có mặt tiền quyết định. Nếu anh có nhu cầu thì làm đơn ra chính quyền giải quyết. Để quản lý tốt, mỗi khu đất sử dụng phi giao thông phải có hợp đồng giữa hai bên: chính quyền-người dân, mới có thể quản lý được. Nếu không chắc chắn sẽ thất bại.
Ông Vũ Văn Viện: Có những vấn đề anh Nguyễn Mạnh Thắng, anh Lương Hoài Nam nêu ra ở cuộc tọa đàm này tôi cảm thấy bế tắc quá. Thực ra không phải vậy, chúng ta đang giải quyết từng ngày.
Về điểm đỗ, chúng ta có nhu cầu đỗ xe thì có thể đỗ tự phát hoặc tổ chức quản lý. Đỗ tự phát thì Nhà nước không thu được gì và có thể đỗ bừa bãi. Nhà nước đã có quy định thu phí ở điểm đỗ, bất cứ điểm trông giữ xe nào được cấp phép phải đáp ứng yêu cầuvà đảm bảo thu được phí theo quy định.
Hiện nay đỗ xe dưới lòng đường thì phải thu phí, sẽ tiến tới thu phí tự động để mọi chuyện ngày càng minh bạch.
Về hệ thống biển báo, những phản ánh bất cập về quản lý giao thông hay chất lượng đường, chúng tôi đều lắng nghe và xem xét đánh giá, không có chuyện phát hiện bất cập mà để đó không xử lý.
Nhưng cũng có những thứ chưa thể làm ngay như điều khiển linh hoạt nhịp đèn tín hiệu giao thông.
Chúng ta mong muốn hướng tới những điều tích cực hơn, tốt hơn, nhưng không phải một lúc mà làm ngay được, chứ hoàn toàn không phải chúng ta vô cảm, không phải ngành giao thông vô cảm. Khi chúng tôi tiếp nhận thông tin, tất cả chúng tôi sẽ phản hồi một cách nhanh nhất.
Riêng với diễn đàn Otofun, chúng tôi cam kết sẽ phản hồi các ý kiến các bạn nêu một cách nhanh nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn Otofun: Chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên biển báo, chỗ nào tổ chức giao thông chưa hợp lý, thậm chí hiến kế các giải pháp tình thế tạm thời giải quyết vấn nạn này. Qua diễn đàn Otofun các vấn đề này chuyển đến chỗ các anh thì mong các anh chỉ đạo kịp thời.
Hà Nội đang nâng chất lượng xe buýt từng ngày
Nhiều người cho rằng bao giờ có metro, có đường sắt trên cao thì chúng tôi sẽ đi bộ, sẽ bỏ đi xe máy, lúc đó vỉa hè mới có nhiều người đi bộ, mới hết ùn tắc? Vậy bao giờ Hà Nội sẽ có những hệ thống này đáp ứng nhu cầu của người dân?
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Muốn giảm ùn tắc, phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Khi nào chúng ta làm được điều đó, mới giảm ùn tắc bền vững.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội và TP.HCM cùng Bộ GTVT triển khai hệ thống vận tải công cộng số lượng lớn. Hà Nội hiện có gần 100 tuyến buýt kết nối tất cả các vùng miền của thành phố. So với các tỉnh, thành phố khác, kể cả TP.HCM, Hà Nội vẫn tự hào có hệ thống xe buýt tương đối tốt.
Từ 1/1/2017, Hà Nội đã triển khai buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã. Tính đến ngày 12/3/2017, tuyến buýt nhanh này đã triển khai được 23.147 lượt, đạt 99,98% kế hoạch. Chỉ có duy nhất 1 lượt xe bị tai nạn phải dừng giữa chừng, còn lại đạt 98,2% là đúng giờ, vận chuyển khối lượng xấp xỉ gần 1 triệu lượt hành khách, trung bình đạt 40,3% hành khách trên xe. Buýt nhanh đang có tốc độ bình quân khoảng hơn 20km/h, một lượt khoảng 45 phút (nhanh hơn 20% so với buýt thường).
Các chuyên gia của ngân hàng thế giới đến thăm tuyến buýt nhanh của Hà Nội, họ rất ngạc nhiên. Vì ở nhiều nước khác, phải có hàng rào cứng ngăn thì người tham gia giao thông mới không vi phạm, nhưng ở ta chỉ có một vệt lươn và hệ thống phản quang. Tôi cho rằng ý thức của người tham gia giao thông ở ta không hề thấp như lâu nay vẫn thường mặc định.
Sau này, có làn dành riêng, chắc chắn phương tiện giao thông công cộng sẽ hiệu quả hơn nữa.
Hà Nội hiện có quy hoạch 8 tuyến đường sắt trên cao, đang triển khai 2 tuyến. Như Bộ GTVT cam kết, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông sẽ được vận hành chạy thử vào cuối tháng 10/2017, tuyến số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội sẽ chạy thử vào đầu năm 2021. Còn lại 5 tuyến, Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đang tích cực triển khai.
Cùng với việc xây dựng tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, chúng ta phải nâng cao chất lượng xe buýt, mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động. Chúng tôi đang cùng Viện Chiến lược của Bộ GTVT xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và các biện pháp lâu dài, biện pháp cấp bách để giảm được phương tiện giao thông cá nhân.
TP.HCM: 2 tuyến xe buýt có làn riêng, 2018 sẽ có buýt nhanh
TP.HCM đang vận động người dân đi bộ, nhưng hệ thống giao thông công cộng bao giờ mới đáp ứng được để người dân có thể nói không với xe cá nhân, thưa ông?
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM): Đối với TP.HCM, chiến lược phát triển vận tải hành khách công cộng là một phần nằm trong các chương trình để giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, trong lộ trình có đề cập đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, phương tiện và hệ thống phụ trợ, bến bãi. Hiện nay, trong hơn 2700 phương tiện công cộng, TP đã thay mới hơn 50%. Chúng tôi yêu cầu các công ty xe buýt thường xuyên tập huấn, nâng cao thái độ phục vụ của tiếp viên đối với hành khách.
Trong quý 2 năm 2017, TP sẽ đưa ra 2 tuyến đường có làn dành riêng cho xe buýt. Năm 2018 sẽ có tuyến buýt nhanh đầu tiên. Còn hệ thống metro, đến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành.
Trong 3 năm vừa qua, sản lượng của xe buýt có giảm, tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm nay sản lượng của xe buýt bắt đầu tăng trở lại.
Tôi tin rằng, với những chuyển động này, cùng với kế hoạch phát động phong trào đi bộ ở trung tâm thành phố, người dân sẽ ngày càng đi bộ nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn một số giải pháp đồng bộ nhưng nghiên cứu một số tuyến đi bộ, cho thuê xe đạp để thu hút người dân.
T.S Lương Hoài Nam nói Không phải tàu điện ngầm mà xe buýt mới thay thế được xe máy |
Cấm xe máy: 2025 hay 2030 cũng được nhưng nhất quyết phải làm
TS. Lương Hoài Nam: 4 năm trước, tôi là người đã nhận khá nhiều gạch đá do đề xuất hạn chế, tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi TP Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đến bây giờ, người dân đã thuận hơn rất nhiều đối với đề xuất này. Hà Nội và TP.HCM nên kiên định đi theo con đường này. Duy chỉ có điều tôi hơi phiền lòng, khi đặt vấn đề này ra, thường xuất tranh luận trên dư luận, cứ nói tới chuyện loại bỏ xe máy, bao giờ cũng nhận được câu trả lời: Bao giờ có tàu điện ngầm thì tôi sẽ bỏ xe máy!
Đây là sự hiểu lầm cần được xóa bỏ. Tàu điện ngầm không thể thay thế xe máy. Tại Singapore, bình quân cứ 7km vuông mới có 1 bến tàu điện ngầm. Nhưng vì sao Singapore lại loại bỏ được xe máy? Đó là nhờ họ có khoảng 5.000 bến xe buýt phủ kín toàn thành phố. Chính vì thế, nên đặt vấn đề xe buýt là phương tiện công cộng thay xe máy, còn tàu điện ngầm là phương tiện vận tải lớn để thay xe buýt.
Để người dân tại Hà Nội và TP.HCM không còn nhu cầu sử dụng xe máy nữa? Câu trả lời chính là phải có đủ xe buýt. Tuy nhiên khi phát triển mạng lưới xe buýt lại nảy sinh vấn đề tranh chấp hạ tầng giao thông. Xe buýt và xe máy không thể chung sống hòa bình trên một làn đường. Chỉ nên chọn 1 loại phương tiện thôi. Muốn xe buýt phát triển phải có làn đường riêng.
Tôi vô cùng cảm động khi Sở GTVT Hà Nội cam kết dự kiến loại bỏ xe máy tại một số quận nội thành, trong giai đoạn 2025-2030,TP.HCM cũng sớm triển khai lộ trình như thế. Hai đầu tàu nên đồng hành tạo thế đẩy nhanh việc này.
Ông Khuất Việt Hùng: Về ý kiến của anh Lương Hoài Nam, tôi rất ủng hộ việc lấy lại vỉa hè, hạn chế việc cho đỗ xe thoải mái trên vỉa hè. Giao thông có giao thông động và giao thông tĩnh, có thể cấm đi, cấm đỗ, anh không nói cấm nhưng không có chỗ đỗ. Người VN rất dị ứng với từ cấm.
Chúng ta có thể làm kiểu gì cũng được, nhưng tôi thực sự không ưa từ cấm, tôi cho rằng nên dùng từ sao cho người dân cảm thấy dễ chịu là tốt nhất. Quản lý sử dụng phương tiện cá nhân có rất nhiều giải pháp, trong đó có cấm. Nhưng đừng để từ cấm phủ đen tất cả các giải pháp khác. Phải truyền thông hết sức thận trọng, trong đề án của Hà Nội và TP.HCM cần nói rõ những chỗ nào cấm, đối tượng nào cấm. Nhưng đừng nhấn mạnh từ cấm, mang cái cấm ấy treo thành cái biển che mờ tất cả các giải pháp phía sau....
Nếu mà nói đến cấm, thì tôi lại mong muốn sẽ cấm xe máy đi trên đường quốc lộ, vì đó là nguy cơ gây TNGT rất cao.
Nếu Hà Nội và các địa phương tổ chức được xe khách trong cự ly 100km mà vận hành như xe buýt thì xe máy sẽ giảm rất nhiều. Vì các xe nối đuôi nhay chạy như xe buýt sẽ giảm được nhiều bức xúc trong việc sắp xếp lốt này lốt kia, tranh giành giờ đẹp. Người dân cũng không vất vả chạy xe máy làm gì khi đi lại bằng xe buýt thuận tiện, giá rẻ.
TS. Lương Hoài Nam: Tôi mong muốn cơ quan quản lý nói thẳng giải pháp với người dân để họ hiểu đúng và đi tới sự đồng thuận. Vừa qua, cả lãnh đạo Hà Nội và TP. HCM đều dùng từ CẤM đối với xe máy mà hoàn toàn không bị phản ứng. Nếu tuyên truyền đúng, Chữ CẤM bản chất không có vấn đề. Chữ CẤM chỉ dành cho những người không sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân ngay cả khi đã có phương tiện giao thông công cộng thuận tiện.
Trong dân vẫn có số lượng lớn những người kể cả khi có phương tiện công cộng vẫn thích đi xe máy. Chỉ cần số lượng này ào ra đường thì giao thông rối loạn hết. Vì thế, kinh nghiệm từ chính quyền nhiều nước như Trung Quốc, Myanmar không dám buông chuyện “cấm”.
Nói về xe buýt, đừng chỉ nhìn ngày hôm nay, hãy nhìn vào dịch vụ xe buýt trong 10 năm sau, khi đó chúng ta có thể tương đương với xe buýt của Singapore rồi.
Người dân đang rất quan tâm đến chất lượng của xe buýt Hà Nội. Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp của Hà Nội để nâng cao chất lượng vận tải công cộng nói chung và xe buýt nói riêng trong thời gian tới?
Ông Vũ Văn Viện: Thực ra, Hà Nội đã có mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng từ những năm 2000. Hệ thống giao thông công cộng, trong đó có hệ thống buýt của Hà Nội được đánh giá là tốt nhất cả nước hiện này. Hiện nay toàn bộ hệ thống xe buýt của Hà Nội đều có máy lạnh hết, nhiều tuyến có wifi.
Chúng tôi đang triển khai hệ thống xe buýt nhanh và mong muốn càng đông khách càng tốt. Để được như vậy, phải nâng cao chất lượng hoạt động, phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ phải tốt và quan tọng là phải đúng giờ.
Đến năm 2020 theo quy hoạch xe buýt phải đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân, hiện mới có 14-15%. Nhưng không chỉ phát triển về số lượng mà phải làm sao để hành khách hài lòng về chất lượng: Xe buýt mới, chất lượng tốt, wifi miễn phí, nhân viên phục vụ tốt hơn, an toàn hơn.
TS. Lương Hoài Nam: Tôi ủng hộ việc đưa xe buýt làm phương tiện trung tâm của giao thông công cộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tăng trưởng xe buýt không nên đi theo hướng tăng đều đều từng năm, mà phải tăng theo nấc thang tái cấu trúc giao thông đô thị với những bước nhảy vọt, mới có thể thành công. Mặt khác, Hà Nội và Tp. HCM cũng nên nghiên cứu theo hướng lấy làn đường trong cùng để phát triển giao thông xe buýt. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, với mô hình hiện nay chúng ta đang áp dụng, lấy làn ngoài cùng dành cho BRT, sẽ rất khó thành công.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn Otofun: Tôi nói rằng các anh không cần cấm đi xe máy mà các anh cứ làm tốt giao thông công cộng đi. Quan điểm của tôi là cứ cái gì thuận tiện thì người ta ưu tiên trước, chứ người dân mua xe máy mất tiền, nuôi xe máy cũng mất tiền. Nhưng chẳng qua người ta vẫn phải dùng, vì phương tiện công cộng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ở đây có anh nào đi làm xe bus không? Tôi đã từng thử đi làm bằng xe bus và lại phải quay về sử dụng xe ô tô cá nhân. Vậy ai đi xe buýt, chủ yếu chỉ có sinh viên, công chức nhà nước rất ít. Thi thoảng, cơ quan chức năng lại rầm rộ phát động một chương trình kêu gọi ủng hộ xe bus, nhưng các anh cứ đi xe bus một tuần đi, sẽ biết. Một lần tôi đi xe bus còn suýt bị móc túi.
Xe bus của chúng ta hiện chật chội, nóng bức, còn tệ nạn móc túi, trộm cắp… Cứ như Singapore, xe bus mát lạnh, thoải mái, an toàn, thì không cần cấm xe máy, người dân vẫn thích đi xe bus.
Chúng ta cần nhiều giải pháp phát triển giao thông công cộng, tàu điện ngầm hay tàu trên cao thì tốt vì nó độc lập, còn xe bus thì nên nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi đó, tác dụng cộng hưởng của việc giải toả vỉa hè, lòng đường sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Đường mới cũng tràn lan vi phạm chỉ giới xây dựng
Ông Lê Đỗ Mười: Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT:
Tôi cho rằng quy hoạch và giám sát việc thực hiện các quy định thì ngành xây dựng phải cùng vào cuộc. Không thể nhà cứ xây rồi, tam cấp lấn chiếm rồi, giao thông lại đi giải tỏa.
|
Chúng ta có thể thấy rất nhiều tuyến đường mới ở Hà Nội, nhà mới xây cũng vi phạm chỉ giới xây dựng, rồi tam cấp cũng lấn chiếm vỉa hè. Ở đây, chúng ta phải làm tốt bài toán quy hoạch đô thị mới giải quyết được ùn tắc giao thông đô thị.
Tuy nhiên, việc quan trọng của chúng ta hôm nay đúng như các ý kiến các anh đã phát biểu, là cần tập trung làm tốt hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt. Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang cùng với Sở GTVT TP HCM và Hà Nội xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân. Rất mừng là qua khảo sát trực tiếp hơn 16.000 người, thì có tới 85% ý kiến đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung vào các quận nội thành. 96% người được hỏi ủng hộ việc xử lý lấn chiếm vỉa hè. Đây là những con số rất đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này đã có sự thay đổi rõ rệt.
Riêng tại 2 TP lớn, nếu thực hiện được đúng kế hoạch đặt ra thì 5 năm nữa, mạng lưới xe buýt có thể đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của người dân.
Phó Chủ tịch UB ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng |
Ông Khuất Việt Hùng kết luận: Tôi cho rằng, cuộc toạ đàm Báo Giao thông tổ chức hôm nay rất thành công, trao đổi cởi mở và đạt mục tiêu đặt ra.
Chúng ta bàn về vỉa hè và các vấn đề còn tranh cãi rất lớn. Chúng ta đã động chạm đến những vấn đề cốt lõi trong quản lý giao thông.
Tôi rất vui vì 2 thành phố lớn đã lấy quản lý giao thông là trọng tâm trong hoạt động hàng ngày. Tất nhiên vẫn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng phát triển phương tiện công cộng,… nhưng quản lý giao thông mới là hoạt động hàng ngày. Đặc biệt, phải quan tâm lớn hơn đến việc vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật, ủng hộ nhà nước.
Thay đổi về tư duy trong phát triển giao thông không thể một sớm một chiều. Trong thời gian khá dài, chúng ta nói đến giao thông là nghĩ đến câu cầu, đường, nhưng nay suy nghĩ thường nhật trong những người quản lý nhà nước đã quay về với chức năng căn bản là quản lý.
Cuộc toạ đàm đụng đến vấn đề đang nóng và được sự quan tâm của người dân, mở màn cho diễn đàn hiệu quả. Tôi cho rằng, Báo Giao thông nên duy trì diễn đàn này lâu dài, không chỉ vài tháng mà vài năm, trong từng giai đoạn có chủ đề riêng của nó. Tôi mong chủ đề vỉa hè, lòng đường và ATGT có thể kéo dài đến hết tháng 6, để sau đó chúng ta có thể quay sang vấn đề khác, ví dụ như vấn đề quản lý xe máy thế nào, chúng ta chọn chủ đề dẫn dắt cho diễn đàn và có thể tìm thêm nhiều gương mặt mới tham gia đóng góp ý kiến để diễn đàn hấp dẫn hơn nữa, đi vào những vấn đề mà người dân quan tâm.
Dân quan tâm vì những tâm tư tình cảm của người dân đang được truyền tải một cách rất đa dạng. Như vậy ta sẽ có một diễn đàn hấp dẫn giúp dân hiểu đúng hơn về các quy định của pháp luật, để những tâm tư của dân được chia sẻ và giúp công tác quản lý giao thông đô thị tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận