Thủ tướng Australia Tony Abbott và Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị G20 |
Ưu tiên dập dịch Ebola rồi mới phát triển kinh tế
Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Brisbane (Australia) trong bối cảnh đời sống kinh tế, chính trị không có gì sáng sủa. Tại Brisbane, các nhà lãnh đạo G20 đưa ra cam kết huy động mọi nguồn lực để dập tắt đại dịch Ebola, hiện đã khiến 5.177 người tử vong trong tổng số 14.500 trường hợp nhiễm tại ba nước Tây Phi là: Guinea, Liberia và Sierra Leone. Các nhà lãnh đạo trong tuyên bố chung cũng kêu gọi những nước chưa có đóng góp tham gia cùng cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tài chính, nhân viên y tế, bác sĩ lành nghề và có trình độ, các thiết bị y tế, thuốc men và phương pháp điều trị nhằm chống dịch Ebola.
Hôm qua, theo AFP, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim nói rằng, đây là cam kết quan trọng trong cuộc chiến chống Ebola và góp phần giải quyết những tác động về kinh tế, nhân đạo mà dịch Ebola gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng được kêu gọi tiếp tục ủng hộ, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của IMF viện trợ bổ sung 300 triệu USD ngăn chặn sự lây lan của dịch Ebola.
Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Australia Tony Abbott cam kết, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ lên hơn 2,1% vào năm 2018. Ông Abbott cũng nhấn mạnh đến vấn đề tự do thương mại, cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu và củng cố tài chính để tiếp tục theo đuổi các cam kết của G20. Đồng thời, Bộ trưởng Ngân khố Australia Joe Hockey cho biết, các nước thành viên đã quyết định rót tiền cho nhu cầu khổng lồ về cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới trong vài thập kỷ tới thông qua việc xây dựng đối tác tốt hơn với khu vực tư nhân. Ông cho biết, vấn đề cuối cùng trong chương trình nghị sự của hội nghị là ngăn chặn việc các công ty đa quốc gia tránh trả thuế thông qua việc chuyển đổi lợi nhuận.
Người Việt ở Australia kiến nghị về biển Đông
Hôm qua, bên lề Hội nghị, tại cuộc hội đàm ba bên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hối thúc tự do hàng hải và các chuyến bay (ở trên các khu vực biển có tranh chấp), giải quyết hòa bình những tranh chấp biển theo luật pháp quốc tế. Lãnh đạo ba nước cho biết, đã cam kết sẽ làm sâu sắc sự hợp tác an ninh vốn đã bền chặt giữa ba bên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong tuyên bố chung, Mỹ, Australia và Nhật Bản hối thúc Nga ngừng can thiệp vào tình hình ở Ukraine và đòi công lý cho những nạn nhân trong vụ chiếc máy bay hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine. Trong cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Putin với Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Pháp Hollande, các bên nhất trí cần khôi phục mối quan hệ (giữa Nga và phương Tây) và áp dụng những biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này sẽ tạo cơ hội loại bỏ những quan điểm đối đầu, bởi các bên đều thiệt hại do khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. |
Đồng thời, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA) gửi thư tới Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng như các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới đây trên biển Đông. VBAA khẳng định Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch rất quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia và các nền kinh tế G20 khác.
Nguy cơ xung đột trên biển Đông có thể làm gián đoạn lưu thông hàng hóa, gây hậu quả khó lường tới các nền kinh tế khu vực và thế giới, thậm chí còn có thể khiến xu hướng hồi phục kinh tế toàn cầu bị đảo ngược. Vì thế, tranh chấp tại biển Đông là mối quan ngại cho tất cả các bên. VBAA cũng đề nghị Australia kêu gọi các bên hợp tác trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại biển Đông.
Ngoài ra, nhiều du học sinh Việt Nam tại các trường Đại học: Griffith, Queensland, Công nghệ Queensland… đã ký vào thư ngỏ gửi tới G20 kêu gọi Australia và G20 khuyến khích các bên có tranh chấp trên biển Đông tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hợp tác hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Trước đó, ngày 15/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo tranh chấp lãnh thổ tại các quần đảo ở châu Á có thể dẫn tới xung đột. Ông Obama khẳng định, Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm sớm đạt được COC với Trung Quốc.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận